Chính phủ Phần Lan ngày 14/4 đã công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại và an ninh, trong bối cảnh chiến sự vẫn đang tiếp diễn tại Ukraine. Báo cáo này mở ra một cuộc tranh luận nghiêm túc về khả năng Phần Lan trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.
Suốt từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến nay, Phần Lan vẫn chọn quy chế trung lập, không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào. Chỉ trong một vài tuần, Phần Lan đã thay đổi quan điểm một cách cơ bản. Các cuộc thăm dò dư luận vào đầu tuần này cho thấy có tới hơn 60% người dân muốn Phần Lan gia nhập NATO. Trong tổng số 200 nghị sĩ Quốc hội Phần Lan, chỉ có 12 người còn muốn duy trì quy chế trung lập. Sách Trắng về chính sách đối ngoại và an ninh mà Chính phủ Phần Lan vừa công bố đặt vấn đề: Phần Lan có nên gia nhập liên minh quân sự NATO hay không, nếu gia nhập thì sẽ có lợi ích gì và hệ quả gì, nhất là trong mối quan hệ với nước Nga láng giềng. Một câu hỏi sẽ được tranh luận rộng rãi dưới nhiều khía cạnh.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói: "Có nhiều quan điểm về việc có nên trở thành thành viên NATO hay không. Chúng tôi phải phân tích tất cả những khía cạnh một cách cẩn trọng, Quốc hội Phần Lan sẽ thảo luận vào tuần tới. Tôi nghĩ mọi việc sẽ khá nhanh chóng, sẽ phải có quyết định cuối cùng trong vài tuần nữa".
Phần Lan có vị trí địa lý cực kỳ nhạy cảm, hơn 1.300km biên giới trên bộ tiếp giáp với nước Nga. Nước này là đối tác thân thiết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng không gia nhập NATO. Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ba nước Baltic có biên giới chung với Nga đã gia nhập NATO hầu như ngay khi có thể, thì Phần Lan vẫn giữ nguyên quy chế trung lập. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu như Phần Lan bị tấn công, thì NATO sẽ không có danh chính ngôn thuận nào điều quân ứng cứu.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO nói: "Thụy Điển và Phần Lan là những đối tác thân thiết của chúng tôi, tất nhiên an ninh của họ quan trọng đối với chúng tôi, nhưng NATO chỉ đảm bảo an ninh tuyệt đối cho các nước thành viên NATO mà thôi".
Cuộc chiến tại Ukraine đang làm thay đổi cơ bản bối cảnh an ninh tại châu Âu. Vị thế của Phần Lan trở nên mong manh hơn so với các nước Baltic đang là thành viên NATO. Đó là động lực để Phần Lan phải đánh giá lại chính sách quốc phòng.
Ông Antti Kaikkonen - Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan cho biết: "Tình hình quân sự ở các khu vực lân cận của Phần Lan hiện đang yên ổn, Phần Lan không phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự ngay lập tức, nhưng chúng ta cũng phải nhìn về tương lai, phải chuẩn bị đối phó được trước nguy cơ một nước khác sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực quân sự chống lại chúng ta, hoặc tạo áp lực chính trị lên chúng ta".
Cùng thay đổi quan điểm với Phần Lan là Thụy Điển, cũng ở Bắc Âu nhưng không có biên giới với nước Nga. Thủ tướng Thụy Điển cũng đã tuyên bố, Thụy Điển đặt mục tiêu gia nhập liên minh quân sự NATO ngay trong cuộc họp thượng đỉnh của NATO sẽ diễn ra trong 2 tháng nữa.
Phần Lan và Thụy Điển đẩy nhanh gia nhập NATO
Khác với Ukraine, ngay cả trong thời bình, Ukraine còn thiếu quá nhiều điều kiện để gia nhập NATO, thì Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã thừa đủ điều kiện. Cả hai nước Bắc Âu đều là các nhà nước pháp quyền, được tổ chức tốt, kinh tế phát triển, có công nghiệp quốc phòng hiện đại, gia nhập NATO chỉ là vấn đề chính trị, chứ không có bất cứ cản trở nào về hạ tầng kỹ thuật cũng như về luật pháp. Ngân sách quốc phòng của hai nước này cũng đủ lớn, tương đồng với các nước thành viên NATO. Và dù hai nước này không thuộc liên minh quân sự nào, nhưng trong những năm qua, cả hai nước vẫn tham gia một số cuộc tập trận của NATO ở biển Baltic.
Bản đồ cho thấy quá trình mở rộng của NATO từ sau năm 1997. Sườn phía Đông của liên minh quân sự này được củng cố đáng kể, với sự gia nhập của 14 thành viên mới. Các nước có biên giới với Nga và đang có mong muốn gia nhập NATO, có thể thấy còn Ukraine hay Phần Lan. Việc Phần Lan gia nhập NATO, nếu thành hiện thực, sẽ mở rộng sườn phía Bắc của NATO.
Cục diện an ninh châu Âu có thay đổi?
Việc gia nhập NATO có thể giúp Phần Lan và Thụy Điển đỡ lo lắng bị tấn công hay bị gây sức ép, vì khi đó tấn công Phần Lan và Thụy Điển nghĩa là tuyên chiến với toàn khối NATO. Tuy nhiên, hai nước này gia nhập NATO có thể làm căng thẳng leo thang tại châu Âu. Nước Nga không bằng lòng, vì một phần biên giới phía Tây từ nhiều năm nay đã có 3 nước thành viên NATO, nay Phần Lan gia nhập NATO thì nước Nga có thêm 1.300km đường biên nữa tiếp giáp với khối NATO. Ngay sau tuyên bố hôm 13/4 của Phần Lan, Nga đã triển khai tên lửa cực mạnh tới sát biên giới Phần Lan và dọa sẽ triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên biển Baltic nếu hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.
Thực tế các phản ứng của Nga với chủ đề này đã được cảnh báo trước. Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình và phải củng cố sường phía Tây biên giới để đảm bảo an ninh, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Còn về phía NATO, Tổng thư ký liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương đã tuyên bố: "Phần Lan và Thụy Điển có thể dễ dàng gia nhập liên minh vì hai nước này thỏa mãn mọi điều kiện của NATO xét về các yếu tố tương thích". Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới đây tại Tây Ban Nha, nhiều khả năng bổ sung thêm vào chương trình nghị sự kế hoạch mở rộng liên minh này đối với Thụy Điển và Phần Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!