Hình ảnh đồ họa của Omicron, biến thể lần đầu tiên báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới từ Nam Phi vào ngày 24/11. Ảnh: Getty Images
Theo kết quả phân tích, về cơ bản biến thể Omicron có nhiều đột biến hơn biến thể Delta ở 4 vị trí chính. Ít nhất 1 trong số các vị trí này được cho là có thể tác động đến khả năng lây lan của biến thể Omicron, có nhiều đột biến hơn gấp 3 lần so với biến thể Delta. Trong khi đó, việc lập bản đồ các đột biến của biến thể Omicron giúp các nhà khoa học trên thế giới hiểu rõ hơn về khả năng tránh hệ thống miễn dịch, lây truyền và nguy cơ tử vong của biến thể này.
Phân tích của ông Ostrov cũng tương đồng với quan điểm mà các nhà khoa học khác cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gấp 5 lần biến thể Delta. Ông nhấn mạnh các đột biến trong biến thể Omicron đã cho thấy khả năng lây lan rất cao và có một số đột biến hoàn toàn chưa thể phân tích được chức năng của chúng. Nhà nghiên cứu Ostrov cho rằng, không chỉ là vấn đề số lượng đột biến gây quan ngại mà quan trọng hơn là vị trí của chúng. Theo ông Ostrov, biến thể Omicron dường như đột biến ở những vị trí không mong muốn vì biến thể này đang "cố" tránh một loại protein được gọi là đồng thụ thể (co-receptor). Đôi khi, các đồng thụ thể có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hiện đánh giá Omicron là biến thể đáng quan ngại. Điều này có nghĩa là có bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc các yếu tố khác như làm giảm hiệu quả của vaccine. Nếu biến thể này cho thấy khả năng tránh được các xét nghiệm, làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc khiến người nhiễm bị nặng hơn thì Omicron sẽ trở thành một biến thể có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiến sĩ Ostrov cho rằng việc phân tích được các đột biến của biến thể Omicron có thể là bước khởi đầu để tiến tới tìm cách ngăn chặn và vô hiệu hóa biến thể này. Hiện các nhà khoa học đang thảo luận việc bắt đầu thử nghiệm trên người ở Nam Phi về hiệu quả của 2 hợp chất phổ biến đã được phát hiện để ức chế virus SARS-CoV-2. Cuối tháng trước, Tiến sĩ Ostrov và các đồng nghiệp đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy sự kết hợp 1 loại thuốc chống dị ứng (antihistamine) và 1 loại protein có trong sữa bò có hiệu quả lên đến 99% trong việc ngăn chặn virus nhân lên trong tế bào người và khỉ.
Theo Tiến sĩ Ostrov, cần phải sử dụng mọi công cụ để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan, trong đó có việc tiêm vaccine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!