Chim ó biển trên đảo Rouzic. (Ảnh: Reuters)
Hàng nghìn con chim biển đã chết dọc theo bờ biển phía Tây nước Pháp trong những tuần qua vì nhiễm virus cúm gia cầm, thường bùng phát vào các tháng mùa thu và mùa đông hàng năm. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại rằng đây có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh diễn ra quanh năm và cúm gia cầm trở thành bệnh đặc hữu ở các loài chim hoang dã tại Pháp.
Điều này khiến ngành chăn nuôi gia cầm của Pháp, nền công nghiệp lớn thứ hai của Liên minh châu Âu, buộc phải tiêu hủy hơn 19 triệu con gia cầm từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022 vì dịch bệnh cúm gia cầm.
Pascal Provost, Giám đốc khu bảo tồn chim quần đảo Sept-Iles, bao gồm cả đảo Rouzic, cho biết: "Cúm gia cầm tấn công các loài chim biển vào mùa xuân và mùa hè, điều này là hoàn toàn mới".
Sau một thời gian tạm lắng, khi dịch bệnh bùng phát ở các trang trại chăn nuôi vào tháng 5, Chính phủ Pháp đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chăn nuôi gia cầm vào tháng 6.
Ó biển chết do dịch cúm gia cầm trên đảo Rouzic thuộc quần đảo Sept-Iles, Pháp, ngày 5/9/2022. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, ngay sau khi virus cúm gia cầm tấn công các đàn chim dọc theo bờ biển Brittany, dịch bệnh từ từ lan xuống phía Nam.
Đảo Rouzic là quê hương của một trong những loài ó biển phương Bắc hiếm trên thế giới. Dịch cúm gia cầm đã hoành hành từ đầu tháng 7, giết chết những con ó biển trưởng thành và khiến chim non bị chết đói.
Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, kể từ cuối tháng 7, 7 đợt bùng phát cúm gia cầm mới đã được xác nhận tại các trang trại của Pháp.
Bộ Nông nghiệp Pháp đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh đối với các trang trại gia cầm ở nước này trên trang web của mình: "Tình huống (dịch cúm gia cầm) này là đặc biệt, chưa từng diễn ra ở Pháp trước đây do quy mô của nó và khoảng thời gian các ca bệnh được phát hiện"..
Cúm gia cầm thường lây truyền qua phân của chim hoang dã di cư bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, quần áo và vật dụng nhiễm virus.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!