Pháp, Đức tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Nguyễn Mỹ Linh (Phóng viên THVN đưa tin từ châu Âu)-Thứ tư, ngày 21/04/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tín hiệu tích cực này vào đúng thời điểm các nước châu Âu đang phải đối phó với làn sóng dịch thứ ba.

Đầu tháng này, Pháp đã đạt mục tiêu thực hiện 10 triệu mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 - sớm hơn dự kiến 1 tuần. Pháp dự kiến mở cửa 40 trung tâm tiêm chủng đại trà trên khắp cả nước. Trung tâm đầu tiên đặt tại sân vận động quốc gia đã đi vào hoạt động, mục tiêu tiếp theo của Pháp là tới giữa tháng 5 có 20 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Trong khi tại Đức, tốc độ tiêm đang được đẩy nhanh gấp đôi. Không chỉ có các nhân viên y tế tuyến đầu, mà các bác sĩ gia đình cũng đã bắt đầu được tiêm chủng ngừa COVID-19.

Vì sao tốc độ tiêm vaccine ở các nước châu Âu bị chậm?

Ngoài những nguyên nhân về nguồn cung hay vấn đề về thủ tục đã nêu, cũng có thể là nguyên nhân từ phía người dân có muốn tiêm hay không.

Hiện tại chương trình tiêm chủng chống COVID-19 ở châu Âu đang được thực hiện với vaccine của Pfizer, AstraZeneca, Moderna, J&J và chắc sẽ không dừng ở danh sách này. Nhưng tại Pháp, nhiều công dân đang đặt câu hỏi, họ có được quyền chọn lựa vaccine mà họ mong muốn được tiêm, hay luôn chịu sự phân loại theo tuổi.

Băn khoăn này xuất hiện ngày một nhiều, khi phản ứng phụ của từng loại vaccine được công khai đưa ra phân tích. Cũng chính sự băn khoăn này khiến nhiều người chần chừ đi tiêm.

Pháp, Đức tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine AstraZeneca ở bang Brandenburg của Đức hôm 3/3. Ảnh: CNN

Tại một trung tâm tiêm chủng vaccine chống COVID-19 ở Paris, loại vaccine được sử dụng ở trung tâm này là Pfizer. Dòng người đăng ký luôn đông và liên tục trong ngày. Pfizer là loại vaccine được đưa vào sử dụng đầu tiên ở Pháp, nghĩa là nó đã được dành cho những đối tượng ưu tiên số một là người trên 75 tuổi và các nhân viên làm việc trong lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các loại vaccine khác như Astra - Zeneca, Moderna được đưa vào sử dụng sau, khi đối tượng tiêm chủng đã được mở rộng từ 50 đến 74 tuổi.

Thông tin về các phản ứng phụ của từng loại vaccine được công bố rộng rãi khiến nhiều người Pháp trở nên e ngại và dồn vào những trung tâm sử dụng hai loại vaccine có số liệu về phản ứng phụ thấp hơn là Pfizer và Moderna, bất luận Pháp đang ở làn sóng dịch thứ ba với số người chết đã chạm tới con số 100.000 người.

Tuy nhiên, đặc tính của Pfizer và Moderna là phải bảo quản với nhiệt độ rất thấp, - 70 độ C cho Pfizer và - 20 độ C cho Moderna, như vậy là chỉ những trung tâm y tế mới có đủ trang thiết bị, các phòng khám tư và bác sĩ gia đình là không thể hoặc chưa thể, điều này là một trong những nguyên nhân khiến việc tiêm chủng ở Pháp chậm trễ và dịch chậm bị kiểm soát.

Cũng theo số liệu của Bộ sức khỏe Pháp, tỉ lệ bị phản ứng phụ của các loại vaccine vẫn là khả quan hơn nhiều so với tỉ lệ người chết do nhiễm COVID-19, như vậy việc chọn lựa vaccine tiêm chủng sẽ gần như không thể được thực hiện bởi thực tế không thể đáp ứng và nó đi ngược lại việc chống dịch trong thời điểm này.

WHO: Các phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 WHO: Các phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19

VTV.vn - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến cáo về các phản ứng thông thường có thể gặp sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước