Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và người đồng cấp Iraq Fuad Masum tại Hội nghị quốc tế về chống IS ở Paris ngày 15/9. (Ảnh: AFP)
Hôm nay (15/9), tại Thủ đô Paris của Pháp đã khai mạc một hội nghị quốc tế với sự tham gia của khoảng 30 quốc gia để bàn về cách thức điều phối một chiến lược nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Lực lượng này hiện đang chiếm đóng phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc Iraq và thiết lập một căn cứ hùng mạnh ở Syria.
Phát biểu mở màn hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi đưa ra một hành động đối phó toàn cầu đối với các phiến quân thuộc nhóm IS, đồng thời cho rằng IS đã gây ra một mối đe dọa an ninh đối với toàn thế giới. Ông Hollande nhấn mạnh: "Đó là một mối đe dọa toàn cầu, nên phải có cách đối phó ở mức toàn cầu". Ông Hollande cũng cho rằng, "hiện không có thời gian để thất bại" trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến IS ở Iraq và kêu gọi có một sự hỗ trợ tổng lực để kiềm chế các phiến quân ở Syria.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng ngày thông báo nước này đã cùng Anh thực hiện các chuyến bay trinh sát để hỗ trợ chiến dịch trên không của Mỹ chống lại lực lượng thánh chiến của nhóm IS ở Iraq hồi đầu tháng trước.
Cho đến lúc này đã có các nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Cộng hoà Czech, Croatia và Albania đã cung cấp vũ khí hoặc cam kết cung cấp vũ khí cho liên quân chống Nhà nước Hồi giáo cực đoan. Bắt đầu từ hôm nay, Pháp điều máy bay Rafale tới trinh sát vùng trời phía Bắc Iraq, trên vùng đất do lực lượng Hồi giáo kiểm soát.
Từ tuần trước, nước Anh đã chuyển cho người Kurd một lượng súng ống và đạn dược trị giá 2 triệu euro. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hôm nay đã bay tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi có 750 lính Pháp đang đồn trú. Một số nước cũng đã có quân đồn trú ở các quốc gia xung quanh điểm nóng này, nhưng khả năng dùng bộ binh để tham chiến trực tiếp với lực lượng Hồi giáo là gần như không có, châu Âu sẽ chỉ dừng ở mức cung cấp vũ khí và hỗ trợ tối đa lực lượng người Kurd ở Iraq nhằm làm suy yếu và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó, việc IS hành quyết con tin người Anh, làm cho châu Âu cảm nhận rõ ràng cụ thể hơn về mối đe doạ của Hồi giáo cực đoan. Sự kiện này càng làm tăng quyết tâm của lãnh đạo châu Âu, vì nay họ có sự hậu thuẫn rộng rãi của người dân. Tất nhiên vẫn tồn tại e ngại rất lớn, rằng nếu tham gia liên minh do Mỹ đề xướng, thì có nguy cơ bị trả thù, công dân châu Âu bị bắt cóc và hành quyết, khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu.
Cho đến lúc này, mỗi nước châu Âu vẫn có những chính sách riêng biệt, có nước cung cấp vũ khí, có nước cam kết hỗ trợ hậu cần, cũng có nước chưa lên tiếng. Sáng 15/9, Tổng thống Pháp trong phát biểu khai mạc Hội nghị tại Paris cũng đã nói tới mục tiêu hiện nay là tập hợp lực lượng cùng phương tiện, mỗi nước sẽ đóng góp theo cách phù hợp nhất, để Chính phủ Iraq về chính trị và quân sự, trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bổ Hồi giáo cực đoan.