Theo các hiệp hội bảo vệ môi trường tại Pháp, số lượng rác thải y tế đã tăng nhanh chóng kể từ khi lệnh phong tỏa quốc gia được dỡ bỏ vào ngày 11/5, cùng với việc chính quyền khuyến khích người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Khẩu trang y tế được làm từ Polypropylen, giống như tã giấy dùng một lần hoặc túi nhựa. Chúng không thể phân hủy sinh học và rất ít được tái chế.
Loại nhựa này có thể mất tới 450 năm để tan rã trong tự nhiên.
Hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này đã được Bộ Sinh thái và Môi trường Pháp triển khai.
Theo đó, hành động vứt bỏ khẩu trang trên đường có thể bị phạt tiền 68 Euro (khoảng 1,8 triệu đồng) nếu bị cảnh sát phát hiện.
Đại dịch COVID-19 đang khiến số lượng những sản phẩm phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh làm từ nhựa trên toàn cầu tăng vọt.
Các vật dụng này đang đặt ra nhiều vấn đề về môi trường do chúng thường chỉ được sử dụng một lần và nhanh chóng trở thành rác thải trôi ra các sông và đại dương. Việc giải quyết những "núi" rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà các nước đang phải đối mặt.
Không khó bắt gặp những chiếc khẩu trang nằm la liệt trên đường phố hay trên các bãi biển trong những ngày này. Chưa có thống kê chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi COVID-19 bùng phát thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!