Tòa chung cư có rào chắn bằng kim loại bao quanh nhằm kiểm soát COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.(Ảnh: AP)
Ngày 7/7, hàng chục triệu người dân Trung Quốc đã được yêu cầu không ra khỏi nhà.
Phong tỏa là nỗi ám ảnh của người dân Trung Quốc và điều này có thể đến bất cứ lúc nào, kể cả chỉ có vài chục ca bệnh trong cộng đồng. "Ác mộng" phong tỏa trở lại sau 2 tháng phong thành tại Thượng Hải, khi thành phố 25 triệu dân này ghi nhận 54 ca bệnh trong ngày 7/7. Người dân tại đây đã trải qua hai vòng xét nghiệm đại trà. Các quán karaoke bị cấm hoạt động. Tại 26 khu vực dịch nguy cơ trung bình và cao, người dân gần như không được ra ngoài.
Cuộc sống bị xáo trộn nặng nề với nhiều lo toan về chuyện ăn uống, chữa bệnh, học hành và thường xuyên phải xét nghiệm. Những người kinh doanh dịch vụ tiếp tục gồng gánh tiền thuê nhà, việc buôn bán bị ngưng trệ.
Dựng rào chắn phong tỏa xung quanh một khu dân cư ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Thực trạng trên diễn ra trong cao điểm mùa du lịch hè, ngành du lịch nội địa đang le lói tín hiệu phục hồi để giải quyết cho 2/3 số lao động bị thất nghiệp của ngành. 12/31 tỉnh thành, khu tự trị ở Trung Quốc có ca bệnh COVID-19, với hàng chục triệu người sống trong vùng phong tỏa hay hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Ngành chức năng Trung Quốc còn lo ngại về việc hơn 130 triệu người, khoảng 10,8% dân số nước này, bị mắc bệnh thận mãn tính. Những lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại hay thay đổi lịch chạy thận đối với những người bị suy thận sẽ khiến sức khỏe họ bị giảm sút nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
Biến thể BA.5 cũng đã xuất hiện ở hai thành phố Tây An và Bắc Kinh, càng làm cho việc theo đuổi chính sách "Zero COVID" của nước này đối mặt với thêm nhiều thách thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!