Nguồn ảnh: Reuters.
Trên các trang mạng xã hội ở Mỹ, phong trào kêu gọi #deletefacebook hay xóa tài khoản Facebook ngày càng nóng. Ngay trên chính tài khoản Facebook, ngoài hashtag #deletefacebook, nhiều báo còn dạy người đọc cách xóa như thế nào.
Còn trên Twitter, đáng chú ý nhất là nhà đồng sáng lập WhatsApp, ứng dụng vốn được Facebook mua lại từ năm 2014, Brian Acton viết: "Đã đến lúc rồi. Xóa Facebook thôi". Một người khác viết: "Không phải do tôi, mà là do bạn. Tạm biệt!". Có người lưỡng lự: "Tôi ước tất cả bạn của tôi đều dùng Twitter để tôi có thể xóa Facebook".
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập ra Facebook đã chính thức xin lỗi người dùng và nhận trách nhiệm về hãng. Việc ông chủ Facebook xuất hiện trên truyền hình để xin lỗi người dùng là một hành động được nhiều người đánh giá cao. Tuy nhiên với những người nghiên cứu về luật, đó vẫn là chưa đủ.
Giáo sư Safiya U. Noble (Đại học Nam California) cho hay: "Chúng ta phải nhớ rằng đây không phải là chuyện cá nhân và lời xin lỗi của cá nhân. Đây là vấn đề liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta không có quan hệ riêng tư với lãnh đạo của Facebook. Cái chúng ta cần là 1 chính sách bảo vệ người dùng thỏa đáng chứ không phải cảm giác thấy ổn mang tính cảm xúc".
Trong khi những vấn đề của Facebook vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, trong khi ông chủ Facebook cũng chưa khẳng định sẽ tham dự buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, thì trong phiên giao dịch ngày thứ 5, cổ phiếu của Facebook tại New York tiếp trục trượt dốc gần 3% giá trị. Các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại, hãng này sẽ vướng phải những áp lực pháp lý lớn hơn không chỉ tại Mỹ trong thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!