"Chúng ta chỉ nên có 400.000 ca sinh mới mỗi năm", Tổng thống al-Sisi phát biểu tại Đại hội Toàn cầu về Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHDC), khai mạc tại Cairo hôm 5/9.
AFP dẫn lời Tổng thống Ai Cập nói với Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Khaled Abdel Ghaffar: "Tôi không đồng ý với quan điểm của ông rằng có con là vấn đề hoàn toàn tự do".
"Nếu vậy, cuối cùng toàn bộ xã hội và đất nước Ai Cập sẽ phải trả giá", ông al-Sisi nói. "Chúng ta phải quản lý sự tự do này, nếu không nó sẽ tạo ra thảm họa".
Ông trích dẫn ví dụ về Trung Quốc, quốc gia "đã thành công trong việc kiểm soát dân số" bằng cách áp dụng chính sách một con khắc nghiệt vào những năm 1970. Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách này vào năm 2015 và từ đó đã khuyến khích tăng dân số.
Theo tài liệu tại hội nghị PHDC, sự gia tăng dân số có thể "gây căng thẳng cho tài nguyên và cơ sở hạ tầng, dẫn đến những thách thức về sức khỏe và xã hội". Tài liệu cho biết, dân số tăng nhanh "làm ảnh hưởng đến sự sẵn có và chất lượng của các dịch vụ cơ bản bao gồm y tế, giáo dục, an sinh xã hội" và góp phần vào "sự cạn kiệt nhanh chóng của tài nguyên thiên nhiên".
Hội nghị PHDC bắt đầu diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 8/9, được tài trợ bởi nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, USAID và một số công ty dược phẩm lớn.
Ai Cập cho đến nay là quốc gia Arab đông dân nhất, với dân số ước tính khoảng 113 triệu người. Nước này đã ghi nhận gần 2,2 triệu ca sinh trong năm 2022. Tổng thống Al-Sisi đã chỉ ra những áp lực kinh tế mà sự gia tăng dân số đã gây ra cho đất nước vốn đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài này.
Cairo đã tìm kiếm những khoản đầu tư lớn hơn từ Nga như một cách giải quyết những thách thức kinh tế. Vào tháng 1/2024, Ai Cập sẽ gia nhập BRICS cùng với UAE, Saudi Arabia, Ethiopia, Argentina và Iran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!