Trong chiến lược mới, Nhật Bản kêu gọi thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine tiên tiến cũng như xây dựng kế hoạch phân phối tài chính một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc mua vaccine do các công ty tư nhân bào chế trong trường hợp xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới. Ngoài ra, chiến lược trên cũng đề xuất mở rộng các mạng lưới nghiên cứu lâm sàng ở châu Á để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn một cách suôn sẻ ở khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết mặc dù dịch COVID-19 kéo dài nhưng Nhật Bản chưa đưa vaccine nội địa nào vào sử dụng và vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn cung từ Mỹ và châu Âu. Do vậy, ông khẳng định "việc thiết lập một hệ thống phát triển và sản xuất vaccine trong nước và tiêm vaccine một cách nhanh chóng là cực kỳ quan trọng cả trong bảo vệ sức khỏe con người và quản lý khủng hoảng".
Theo Thủ tướng Suga, Nhật Bản cần phải có một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu và phát triển vaccine, cải thiện quá trình thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt vaccine, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất vaccine.
Do chưa bào chế được vaccine phòng COVID-19 ở trong nước nên cho đến nay, Nhật Bản vẫn phải sử dụng vaccine của nước ngoài. Hiện nay, Nhật Bản đã cấp phép lưu hành các vaccine phòng COVID-19 của các công ty Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có khoảng 7% trong tổng số 126 triệu dân Nhật Bản được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Cần giảm bớt các quy định về tiêu chuẩn an toàn trong những trường hợp khẩn cấp
Trong suốt thập niên 1980, Nhật Bản được biết đến là quốc gia sở hữu công nghệ vaccine hàng đầu thế giới trong điều trị bệnh thủy đậu, viêm não và ho gà. Những công nghệ này sau đó thậm chí đã được nhượng quyền cho Mỹ và các nước khác. Nhưng trước tình hình dịch COVID-19, Nhật Bản lại bị động trong sản xuất vaccine nội địa và phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu.
Hiện nay có nhiều công ty của Nhật Bản cũng đang nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, theo thống kê thì có tới 5 công ty đang độc lập nghiên cứu vaccine, và Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ gần 3000 tỷ Yen, tương đương 29 tỷ USD cho việc nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, vấn đề của Nhật Bản nằm ở chỗ các quy định về vaccine của Nhật vô cùng khắt khe xuất phát từ các sự cố trong quá khứ, dẫn đến việc một công ty có thể phải mất 10 năm thậm chí lâu hơn nữa mới nhận được giấy phép bán ra thị trường, trong khi các đối thủ nước ngoài chỉ cần vài năm. Chính vì các tiêu chuẩn an toàn quá cao mà các công ty Nhật Bản bị chậm chân, mất dần sức cạnh tranh và để mất thị trường vào tay các tập đoàn dược phẩm của Mĩ và châu Âu. Hiện nay vaccine chỉ chiếm 1% thị trường dược phẩm Nhật Bản và phân nửa trong số đó là hàng nhập khẩu.
Các nhà phân tích cho rằng việc đầu tiên cần làm là giảm bớt các quy định khắt khe về tiêu chuẩn an toàn trong những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như đại dịch COVID-19 hiện nay để rút ngắn thời gian nghiên cứu và cấp phép, đồng thời chính phủ phải cam kết sẽ thay các công ty chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân nếu gặp phải sự cố ngoài ý muốn. Tuy nhiên, đây đều là những việc đòi hỏi nhiều thời gian và gặp sự phản đối của không ít người dân Nhật Bản, những người vẫn yêu cầu sự an toàn tuyệt đối của các loại thuốc lưu hành trên thị trường. Sự tranh cãi này có thể sẽ khiến Nhật Bản mất thêm nhiều năm trước khi đưa ra được các loại vaccine cần thiết để khống chế dịch bệnh hiện nay.
Đào tạo kỹ năng tiêm chủng cho lực lượng y tế tiềm năng
Đội ngũ y tá, bác sĩ tại trung tâm tiêm chủng mới thành lập được huy động từ các bệnh viện quân y trên cả nước. (Ảnh: AP)
Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này. Tuy nhiên, theo quy định thì chỉ những y tá và bác sỹ được cấp phép mới có thể tiêm chủng cho người dân và đây lại là trở ngại đối với hoạt động tiêm chủng mở rộng.
Đào tạo kỹ năng tiêm chủng cho lực lượng y tế tiềm năng
Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan y tế đã mở chương trình đào tạo kỹ năng liên quan đến tiêm chủng cho lực lượng y tế tiềm năng để đảm bảo đủ nguồn nhân lực khi tiêm chủng mở rộng.
Chị Emi Matsumoto là từng là y tá tại một bệnh viện đa khoa ở Tokyo, 7 năm trước, do công việc gia đình, chị đã phải ngừng công việc của mình. Chị cho biết, gần đây qua theo dõi tin tức, chị thấy nguy cơ về dịch bệnh đang rất cao và các cơ sở y tế đang thiếu người thực hiện tiêm chủng cho người dân, nên chị đã quyết định tham gia chương trình đào tạo kỹ năng liên quan đến tiêm chủng, để hỗ trợ địa phương trong thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Giống như chị Matsumoto, nhiều người tham gia chương trình này đều từng làm việc trong lĩnh vực y tế, họ sẽ được phổ biến về quy trình tiêm chủng cũng như các phản ứng phụ và biện pháp xử lý, cùng với đó sẽ được thực hành tiêm chủng thông qua các mô hình cánh tay để đảm bảo cách thức tiêm chủng được chính xác. Theo Hiệp hội điều dưỡng Tokyo, trong tháng 5 đã có 240 người tham gia chương trình đào tạo và riêng tại Tokyo, lực lượng y tá tiềm năng như thế này có khoảng 70.000 người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!