Những ngày này, một câu chuyện đang thu hút sự chú ý tại Nhật Bản và các nước láng giềng là quyết định của Chính phủ Nhật Bản về việc sẽ bắt đầu xả dần nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển vào tháng 8 tới.
Thảm họa kép động đất sóng thần ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, những trận sóng thần quét qua đã khiến hệ thống làm mát của các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị hư hỏng. Đe dọa gây nổ nhà máy và làm rò rỉ chất phóng xạ. Để khắc phục sự cố này, các ngành chức năng Nhật Bản đã phải bơm 1,3 triệu tấn nước biển để làm mát các thanh nhiên liệu của lò phản ứng. Lượng nước làm mát sau đó bị nhiễm chất phóng xạ và được tích trữ trong các bể chứa. Và bây giờ, sau 12 năm, lượng nước thải quá nhiều không còn chỗ chứa, đã dẫn đến quyết định của Nhật Bản phải xả nước ra biển.
Ngày 4/7, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận "kế hoạch xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản là phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn". Nhưng vì sao vẫn xuất hiện những lo ngại về nước xả thải của nhà máy điện hạt nhân này?
Hơn 1,3 triệu tấn nước làm mát nhiễm xạ hiện được cất giữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ bằng thép không gỉ. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 cho biết, nhà máy không còn khả năng lưu trữ nước thải và việc lưu trữ lâu là không an toàn. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xử lý nước nhiễm xạ, pha loãng chúng rồi xả ra biển.
Hình ảnh trực tiếp nuôi cá trong nước nhiễm xạ Fukushima
Quy trình lọc nước bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) loại bỏ được 62 trên 64 nguyên tố phóng xạ trong nước thải Fukushima. Tuy nhiên hệ thống lọc này chưa xử lý được 2 nguyên tố còn lại là tritium và carbon-14. Và đây chính là yếu tố gây lo ngại.
Tritium và carbon-14 là các đồng vị phóng xạ của hydro và carbon, rất khó tách khỏi nước. Cả hai đồng vị này đều có nồng độ phóng xạ rất thấp nhưng có thể gây rủi ro nếu được hấp thụ với số lượng lớn. TEPCO khẳng định nồng độ tritium trong nước được xử lý, giải phóng một lượng bức xạ thấp hơn so với liều lượng mà một hành khách phải tiếp xúc, khi đi chuyến bay khứ hồi từ New York đến Tokyo.
Để thông tin rõ hơn về mức độ an toàn của nước thải từ Fukushima. Hôm 11/7 vừa qua, Công ty Điện lực Nhật Bản TEPCO đã livestream hình ảnh nuôi cá trong bể nước nhiễm xạ đã qua xử lý. Đây là một phần của cuộc thử nghiệm bắt đầu từ năm ngoái, nhằm đánh giá tác động của nước nhiễm xạ lên loài cá bơn, loài cá phổ biến ở vùng biển Fukushima. Phiên livestream của TEPCO dài khoảng 12 giờ đồng hồ, ghi lại cảnh cá được nuôi trong các bể nước nhiễm xạ đã qua xử lý. Cá bơn hirame được nuôi trong 2 bể màu khác nhau, màu vàng là nước nhiễm xạ đã qua xử lý, màu xanh là nước biển bình thường.
Sau hai tháng, cá được kiểm tra nồng độ phóng xạ. Nghiên cứu kết luận nồng độ chất tritium trong cá bơn không cao hơn nồng độ đo được trong môi trường nước xung quanh, chứng tỏ chất Tritium không tích tụ trong cơ thể cá và tác động đến sinh vật này thấp. Sau đó, trải qua thời gian, nồng độ chất tritium trong cá bơn bắt đầu giảm nhanh. TEPCO kết luận rằng, tritium không gây hại cho cá bơn, và chất này cũng không tích tụ lại trong cơ thể cá bơn. Quá trình nuôi cá thí nghiệm này cũng được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA giám sát. Hồi đầu tháng này, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, đã đích thân tới thăm cơ sở nuôi cá này.
IAEA chấp thuận kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản
Như vậy là tổ chức có tiếng nói quan trọng nhất thế giới về các vấn đề an toàn hạt nhân - Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ của Nhật Bản. Cơ quan này cho biết: "Việc xả thải dần dần, có kiểm soát này sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường", và rằng kế hoạch pha loãng nước phóng xạ đã xử lý và xả ra đại dương trong vài chục năm tới của Nhật Bản "phù hợp các tiêu chuẩn an toàn quốc tế liên quan".
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết, sẽ bố trí nhân viên IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima để giám sát và khẳng định: "quyết định cuối cùng tùy thuộc Nhật Bản!". "Tôi nghĩ chúng ta phải tin tưởng vào công trình khoa học của IAEA. Chúng tôi nhìn vào khoa học và đưa ra đánh giá, có thể trong một vài năm nữa, chẳng hạn như khi bạn đi chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu và nhìn vào các kết quả. Bạn sẽ tin rằng những thông tin mà chúng tôi đưa ra ngày hôm nay là không hề gian dối, và khi đó, niềm tin sẽ được xây dựng lại".
Ngư dân Fukushima lo ngại về chất lượng hải sản
Có thể thấy vẫn còn đó những lo ngại về việc xả nước nhiễm xạ ra biển, nhất là khi Thái Bình Dương là nơi cung cấp nhiều loại hải sản phong phú cho nhiều quốc gia. Nhiều đối tác nhập khẩu hải sản của Nhật Bản, có nguồn gốc từ vùng biển Fukushima đã bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên đến gần đây thì đã có những chuyển biến tích cực hơn.
Liên minh châu Âu EU đưa ra các hạn chế với một số loại thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản từ năm 2011, khi xảy ra thảm họa Fukushima. Thế nhưng tuần trước, quy định hạn chế này đã chính thức được dỡ bỏ. EU nêu rõ, việc dỡ bỏ bắt nguồn từ kết quả tích cực của các cuộc kiểm tra EU và Nhật Bản thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia này.
Trái ngược với EU, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản trong năm ngoái, mới đầu tháng này đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản vì lý do an toàn. Tuyên bố của Hải quan Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các giấy tờ của thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản từ các vùng khác nhau của Nhật Bản. Động thái của Trung Quốc khiến những doanh nghiệp ngành thủy hải sản của Nhật Bản phải lo lắng.
Ông Ishii Hideki, 64 tuổi, chủ một nhà máy chế biến cá hiểu rõ rủi ro từ câu chuyện tranh cãi hiện nay hơn ai hết. Nhà máy của ông đã trải qua nhiều khó khăn khi mức độ phóng xạ được phát hiện trong cá ngoài khơi bờ biển Fukushima. Ông nói: "Ngành thủy sản địa phương chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng chỉ vì cái mác ' Fukushima', và tình hình sẽ vẫn như vậy ngay cả khi chúng tôi nhập nguyên liệu thô từ các quốc gia khác để chế biến hải sản ở đây. Nhiều người không dám ăn hải sản từ Fukushima do lo sợ các nguyên tố phóng xạ có thể tích tụ trong cơ thể của họ".
Theo thống kê chính thức, tổng sản lượng đánh bắt quanh bờ biển Fukushima vào năm 2022 là 5.525 tấn, có giá trị khoảng 26 triệu USD. Cả hai con số này chỉ bằng khoảng 20% về khối lượng và 40% về giá trị so với vụ thu hoạch trước thảm họa. Vùng Fukushima từng xuất khẩu rất nhiều loại hải sản ngon, có uy tín cao nhưng giờ uy tín đó càng ngày càng bị ảnh hưởng. Mặc dù những số liệu khoa học cho thấy một mức độ an toàn nhất định của kế hoạch xả nước nhiễm xạ lần này, nhưng với ngành thủy hải sản Nhật Bản, đây vẫn là một rủi ro lớn khiến họ lo ngại và trăn trở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!