Một màu trắng đục đã bao phủ hầu khắp rạn san hô Great Barrier, nơi đã từng ngập tràn màu sắc sặc sỡ. Các nhà khoa học Australia cho biết, 91% rạn san hô khổng lồ, được hình thành từ 2.900 san hô riêng lẻ, bao phủ vùng biển rộng đến 344.400 km2 đã bị tẩy trắng. Đây là hiện tượng thường diễn ra trong chu kỳ thời tiết El Nino, với mức độ tẩy trắng đạt mức 60% vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022 lại là năm diễn ra chu kỳ La Nina, đồng thời mức độ tẩy trắng đã tăng vọt lên tới 90%.
Tiến sĩ Selina Ward - Nhà sinh vật học, trường Đại học Queenslan, Australia cho biết: "Tình trạng này rất đáng lo ngại vì năm nay là năm xảy ra hiện tượng La Nina và chúng tôi đã nghĩ rằng mọi việc sẽ ổn. Trước đây, hiện tượng tẩy trắng chỉ xảy ra trong những năm El Nino, thời điểm nhiệt độ tăng vọt, ngày nắng nhiều và sự kết hợp giữa nhiệt độ và ánh sáng sẽ phá hủy san hô khiến chúng chuyển sang màu trắng. Tuy nhiên năm nay thuộc chu kỳ La Nina, thời điểm mà nhiệt độ nước biển thông thường sẽ lạnh hơn nhiều, thế mà việc tẩy trắng vẫn diễn ra. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tình trạng này".
Tháng 12 năm ngoái, rạn san hô Great Barrier đã trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất kể từ những năm 1900, sang cuối tháng 2, vùng biển thuộc Nam bán cầu này lại hứng chịu một đợt sốc nhiệt khác.
Ông David Ritter - Giám đốc điều hành Tổ chức Hòa bình xanh Australia và Thái Bình Dương nói: "Bốn đợt tẩy trắng xảy ra chỉ trong vòng 6 năm là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tốc. Biến đổi khí hậu đã khiến các đại dương trở nên ấm lên ở một quy mô chưa từng thấy trước đây, đây là một vòng xoay đi xuống đáng lo ngại cho vùng biển của chúng tôi".
Hiện các nhà khoa học Australia đang đề xuất với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO liệt rạn san hô Great Barrier vào danh sách các di sản vật thể bị tổn hại nhằm áp dụng những biện pháp bảo vệ đặc biệt dành cho khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!