Bức ảnh có độ phân giải cao về bề mặt sao Hỏa do tàu thăm dò Thiên Vấn-1 của Trung Quốc chụp vào năm 2021 (Ảnh: AP)
Nếu đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ hoàn thành sớm hơn 2 năm so với tuyên bố trước đó.
Sứ mệnh Thiên Vấn-3 của Trung Quốc sẽ thực hiện 2 lần phóng vào khoảng năm 2028 để thu thập các mẫu vật từ sao Hỏa, người phụ trách sứ mệnh chính Liu Jizhong cho biết tại một sự kiện thám hiểm không gian ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc vào tuần trước.
Mục tiêu thực hiện sứ mệnh này sẽ mang tham vọng lớn hơn mục tiêu năm 2030 mà các quan chức không gian nước này công bố vào đầu năm nay, mặc dù mốc thời gian đã thay đổi trong những năm gần đây. Trung Quốc đưa ra mục tiêu này sau thành công mang tính bước ngoặt khi thu thập các mẫu vật đầu tiên từ mặt tối của Mặt Trăng vào tháng 6.
Nỗ lực này cũng diễn ra trong bối cảnh NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu vẫn đang gặp cản trở trong nỗ lực thu thập các mẫu vật từ sao Hỏa do lo ngại về ngân sách, tính phức tạp và rủi ro. Cơ quan vũ trụ Mỹ, nơi đầu tiên hạ cánh trên sao Hỏa cách đây nhiều thập kỷ, cho biết họ đang đánh giá nghiên cứu kế hoạch tối ưu và giá cả phải chăng hơn để có thể thu kết quả nhanh hơn so với kế hoạch đặt ra trước đó là vào năm 2040.
Trở thành quốc gia đầu tiên lấy mẫu vật từ sao Hỏa sẽ là một thành tựu đáng kể đối với chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc và "giấc mơ vĩnh cửu" của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm biến đất nước này thành cường quốc vũ trụ.
Tên lửa Long March 5 Y-4 (Trường Chinh) cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam của Trung Quốc mang theo tàu thăm dò sao Hỏa không người lái Thiên Vấn-1 vào ngày 23/7/2020 (Ảnh: YouTube)
Những tiến bộ của Trung Quốc - bao gồm các sứ mệnh đưa tàu không người lái lên Mặt trăng và việc thành lập trạm vũ trụ quỹ đạo của riêng nước này - diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia khác đang đẩy mạnh các chương trình không gian của riêng họ nhằm tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên và lợi ích khoa học của hoạt động thám hiểm Mặt trăng và vũ trụ.
Một ưu tiên chính trong sứ mệnh Thiên Vấn-3 của Trung Quốc là tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Tuần trước, ông Liu cho biết sứ mệnh này cũng sẽ cố gắng đạt được những đột phá về mặt kỹ thuật trong việc lấy mẫu bề mặt, cất cánh và bay lên từ bề mặt sao Hỏa.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với CGTN, ông Liu nhấn mạnh những thách thức liên quan đến sứ mệnh này, dự kiến sẽ bao gồm thực hiện hai lần phóng tên lửa ban đầu và một lần phóng tên lửa chưa từng có từ một hành tinh khác để đưa các mẫu vật về.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ tham gia hợp tác quốc tế xung quanh sứ mệnh này, bao gồm cả việc mang theo tàu tải trọng của các quốc gia khác và chia sẻ mẫu và dữ liệu, cũng như lập kế hoạch cho nghiên cứu sao Hỏa trong tương lai.
Cuộc đua khám phá sao Hỏa
Các nhà khoa học từ lâu đã coi sao Hỏa là điểm đến nghiên cứu quan trọng có thể tiết lộ thông tin về sự tồn tại của sự sống bên ngoài Trái đất và nguồn gốc của chính của con người trong hệ Mặt trời.
Chuỗi sứ mệnh thám hiểm hành tinh của Thiên Vấn-3 từng đạt được thành công đầu tiên vào năm 2021, khi tàu thăm dò Thiên Vấn-1 tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa và triển khai xe tự hành Zhurong lên bề mặt hành tinh này.
Ngày 15/5/2021, tàu Zhurong hạ cánh xuống một đồng bằng rộng lớn được gọi là Utopia Planitia, đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Liên Xô và Mỹ hạ cánh xuống hành tinh này, nơi gần nhất cách Trái đất hơn 30 triệu dặm.
Dữ liệu thu được từ cuộc khảo sát ban đầu của tàu thám hiểm về lưu vực cho Utopia Planitia từng chứa nước trong khoảng thời gian hàng chục triệu năm trước khi nhiều nhà khoa học tin rằng sao Hỏa khô và lạnh, theo nghiên cứu năm 2022.
Mỹ đã hạ cánh lần đầu tiên trên sao Hỏa vào năm 1976 với sứ mệnh Viking 1, bao gồm một tàu đổ bộ hoạt động trong hơn 6 năm. Đây là một kỳ tích vượt qua tàu vũ trụ Mars 3 của Liên Xô, đã hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1971, nhưng chỉ truyền tín hiệu trong khoảng 20 giây.
Lần hạ cánh gần đây nhất của Mỹ trên sao Hỏa là tàu tự hành Perseverance của NASA, đã hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero vào năm 2021 và kể từ đó đã thu thập các mẫu để đưa trở về Trái đất sau đó.
Đầu năm nay, Giám đốc NASA Bill Nelson đã gọi sứ mệnh đưa mẫu sao Hỏa trở về theo kế hoạch của Mỹ là "một trong những sứ mệnh phức tạp nhất mà NASA từng thực hiện".
Vào tháng 4/2024, Cơ quan vũ trụ Mỹ thông báo họ đang tìm kiếm những cách mới, sáng tạo và rút ngắn thời gian để thu thập các mẫu bề mặt, sau khi một kế hoạch ngân sách tăng vọt lên tới 11 tỷ USD với khung thời gian trả lại mẫu vào năm 2040. Vào tháng 6 vừa qua, cơ quan này công bố họ đang hỗ trợ một số nghiên cứu kéo dài 90 ngày để tìm ra các phương pháp "nhanh hơn và tiết kiệm hơn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!