Chính phủ Slovenia tuần trước đã thông qua một kiến nghị công nhận nhà nước Palestine và gửi đề xuất tới Quốc hội nước này để phê duyệt lần cuối - điều cần thiết để quyết định có hiệu lực.
Các nhà lập pháp Slovenia hôm 4/6 đã bỏ phiếu với 52 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống trong Quốc hội gồm 90 ghế. Các nhà lập pháp còn lại không có mặt để tham gia bỏ phiếu.
"Người dân Palestine thân mến, quyết định cuối cùng ngày hôm nay của Slovenia là một thông điệp về hy vọng và hòa bình" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon nói trên nền tảng mạng xã hội X - "Chúng tôi tin rằng chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể dẫn đến hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Slovenia sẽ tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi vì an ninh của cả hai quốc gia, người dân Palestine và người dân Israel".
Quyết định của Slovenia được đưa ra vài ngày sau khi Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland công nhận nhà nước Palestine - một động thái bị Israel lên án với nguy cơ làm trầm trọng thêm quan hệ ngoại giao giữa các nước. Israel cũng đã triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại ba quốc gia nói trên để "tham vấn khẩn cấp".
Trước đây, chỉ có 7 thành viên của Liên minh châu Âu với 27 quốc gia chính thức công nhận nhà nước Palestine. Năm trong số đó - là các quốc gia thuộc khối Đông Âu trước đây - đã công bố công nhận vào năm 1988, giống như Cyprus, trước khi gia nhập EU. Thụy Điển công nhận nhà nước Palestine vào năm 2014.
Thủ tướng Slovenia Robert Golob nói với các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu hôm 4/6: "Chúng tôi đã bắt đầu nói chuyện với các đồng minh của mình về việc công nhận Palestine vào tháng 2 năm nay. Khoảng thời gian đó được đánh giá là thời điểm vẫn chưa chín muồi. Chúng tôi đã cảnh báo rằng chúng tôi - châu Âu - có nghĩa vụ phải hành động".
Đảng đối lập chính của Slovenia - đảng Dân chủ Slovenia - đã phản đối việc công nhận nhà nước Palestine. Đảng này đã yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về việc sẽ trì hoãn cuộc bỏ phiếu, nhưng hôm 4/6 đã rút lại yêu cầu trước khi lại đệ trình một cuộc trưng cầu dân ý khác, nhưng bị Quốc hội Slovenia bác bỏ.
Slovenia bắt đầu quá trình công nhận nhà nước Palestine vào đầu tháng 5 nhưng cho biết sẽ đợi cho đến khi tình hình cuộc chiến Israel - Hamas đang diễn ra ở Gaza được cải thiện. Thủ tướng Golob giải thích rằng ông đang đẩy nhanh quá trình này để phản ứng với các cuộc tấn công mới nhất của Israel vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, khiến hơn 1 triệu người Palestine phải chạy trốn.
Hơn 140 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine - chiếm tỷ lệ trên 2/3 số quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!