Các nhà nghiên cứu cho biết số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023.
Gần 50% số ca mắc sởi trong năm nay được ghi nhận tại các nước thuộc phụ trách của văn phòng khu vực châu Âu của WHO, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở Azerbaijan, Kyrgyzstan và Yemen.
Mỹ đã tuyên bố loại trừ bệnh sởi ở nước này vào năm 2000. Điều này đồng nghĩa không có bệnh sởi lây lan ở Mỹ và các ca bệnh mới chỉ được phát hiện khi có người nào đó nhiễm ở nước ngoài và mang bệnh về trong nước.
Vương quốc Anh được WHO tuyên bố không còn bệnh sởi vào năm 2017 nhưng tình trạng này đã bị dỡ bỏ vào năm 2019 sau khi số ca mắc bệnh tăng đột biến.
Theo Tiến sỹ Patrick O’Connor thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi là "một cuộc khủng hoảng trong số nhiều cuộc khủng hoảng", với khoảng 45% số ca bùng phát ở các quốc gia dễ bị ảnh hưởng và đang bị xung đột tàn phá.
Điều này đặt ra thách thức đối với những nỗ lực đạt được và duy trì việc loại bỏ căn bệnh này ở nhiều nước.
Giới chuyên gia khẳng định vaccine vẫn được coi là "lá chắn" hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Mỗi liều vaccine có thể mang lại hiệu quả phòng bệnh lên tới 93% và hai liều có thể đạt hiệu quả ngăn chặn tới 97%.
Bệnh sởi là một bệnh virus có tính lây truyền cao rất phổ biến ở trẻ em. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như: sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, ban đỏ (đốm Koplik) trên niêm mạc miệng và ban dạng dát sẩn lan từ đầu đến chân. Các biến chứng, chủ yếu là viêm phổi hoặc viêm não, có thể gây tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!