Hơn 493,57 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,88 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 9.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Kết quả một nghiên cứu mới tại hơn 3.200 hạt của Mỹ cho thấy, tỷ lệ tử vong trong đại dịch COVID-19 ở các hạt kém phát triển hơn của nước này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong ở những hạt phát triển hơn. Cụ thể, tỷ lệ tử vong tại những hạt có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất nước Mỹ cao gấp 5 lần so với những hạt có thu nhập bình quân cao nhất. Mức chênh lệch về tỷ lệ tử vong nói trên thậm chí còn cao hơn trong đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Delta, làn sóng lây nhiễm thứ tư ở nước này. Giám đốc Chiến dịch vì người nghèo nhấn mạnh thực trạng bất công trong xã hội Mỹ, khi những người nghèo và thu nhập thấp bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,02 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 660.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,01 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 5/4 thông báo, nước này sẽ không áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 kể từ ngày 1/5 tới. Bộ trưởng Lauterbach cho biết, việc cách ly vẫn được khuyến khích nhưng không bắt buộc và từ tháng 5 tới, biện pháp này sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Ông Lauterbach nêu rõ: "Các quy định hiện hành vẫn có hiệu lực nhưng về lâu dài không cần thiết nữa. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế và điều dưỡng vẫn phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 5 ngày nếu họ mắc COVID-19. Do tính chất làm việc với những người dễ bị tổn thương, những nhân viên này phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính để kết thúc quá trình cách ly".
Hiện tại, những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly trong 10 ngày và thời gian này có thể được rút ngắn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện từ ngày thứ 7. Mặc dù vậy, giới chức y tế Đức khuyến nghị, những người mắc COVID-19 cần phải có ý thức về trách nhiệm cá nhân, theo đó nên tự nguyện cách ly hoặc giảm tiếp xúc nơi công cộng.
Đức sẽ không áp dụng cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Nam Phi đã tuyên bố bãi bỏ tình trạng thảm họa vì COVID-19 trên toàn quốc kể từ 0h ngày 5/4, sau hơn 2 năm tình trạng này được ban bố và áp dụng nhằm ứng phó với đại dịch. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 tại Nam Phi đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Số giường bệnh có sẵn đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, các cơ sở y tế công của Nam Phi sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới.
Sau hơn 2 năm, Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 3,6 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Cho đến nay, ước tính có hơn 33 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân trên toàn quốc.
Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo, nước này đã quyết định nới lỏng các biện pháp đối với du khách nhập cảnh từ ngày 4/4. Theo đó, du khách khi nhập cảnh đảo quốc đảo Caribe này sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo quy định mới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên tại các cảng và sân bay, chủ yếu đối với những người đến từ các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Du khách nào có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được nhập viện theo quy trình hiện có. Bên cạnh đó, Cuba sẽ vẫn duy trì các biện pháp y tế, trong đó có giữ khoảng cách, rửa tay, làm sạch bề mặt và đeo khẩu trang.
Giới chức Cuba khẳng định, việc Chính phủ nước này đi đến quyết định nới lỏng các biện pháp trên là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, Cuba đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 9,9 triệu trong số 11,2 triệu người dân bằng vaccine do chính nước này sản xuất. Hơn 6,3 triệu người cũng đã tiêm mũi tăng cường.
Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý với yêu cầu của Malaysia về việc công nhận chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số của nước này. Ứng dụng MySejahtera của Malaysia được kết nối với hệ thống Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/4 nhằm thúc đẩy kinh doanh và du lịch giữa hai bên.
Đây là khuôn khổ dành cho việc cấp, xác minh và chấp nhận chứng chỉ tiêm chủng, thử nghiệm và phục hồi COVID-19 để tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Malaysia vừa mở cửa trở lại biên giới quốc gia vào ngày 1/4 và chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Sau hai năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm ở Singapore sẽ được phép hoàn toàn mở cửa trở lại từ ngày 19/4. Các quán bar, quán rượu, cơ sở karaoke, vũ trường và hộp đêm sẽ được mở lại, nhưng phải áp dụng các biện pháp quản lý an toàn phòng dịch chung. Những người đến các cơ sở như hộp đêm và vũ trường được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ.
Ngoài ra, tất cả các cơ sở sẽ phải tuân thủ các quy định phòng dịch như quy mô nhóm tối đa 10 người, phải được tiêm chủng đầy đủ, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Với những sự kiện với hơn 1.000 người, công suất được giới hạn là 75%. Đây có thể được coi là những bước cuối cùng đưa sinh hoạt thường nhật của người dân Singapore trở lại hoàn toàn trạng thái bình thường mới.
Thái Lan đã ghi nhận một nhân viên giao hàng nghi nhiễm một biến thể tái tổ hợp mới của virus SARS-CoV-2, được gọi là XE chưa từng được phát hiện tại nước này. Theo giới chức y tế Thái Lan, bộ gene SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của người đàn ông 34 tuổi nói trên rất giống một biến thể mới là kết hợp của hai dòng phụ của biến thể Omicron. Loại biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Phần Lan cách đây không lâu.
Do tính chất công việc tiếp xúc với nhiều người, nhân viên giao hàng trên dễ bị mắc COVID-19 dù trước đó đã được tiêm 2 mũi vaccine. Mặc dù vậy, người này không có bất kỳ triệu chứng nào khi nhiễm bệnh và cho đến nay đã bình phục.
Thái Lan đã ghi nhận ca nhiễm biến thể tái tổ hợp mới XE. (Ảnh: AP)
Các nhà chức trách Thái Lan đang chuẩn bị đối phó với tình huống số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở nước này có thể lên tới 100.000 ca sau dịp Tết cổ truyền Songkran từ ngày 13 - 15/4 tới. Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan ước tính, kịch bản "lạc quan" là số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày sẽ tăng gấp đôi, lên khoảng 50.000 ca/ngày sau kỳ nghỉ Songkran. Với kịch bản này, số người tử vong vì COVID-19 sẽ tăng lên trên ngưỡng 100 trường hợp mỗi ngày trong giai đoạn từ ngày 19/4 tới tháng 5, với khoảng 3.000 ca bị viêm phổi và 900 ca phải thở máy. DDC dự báo kịch bản "lạc quan" này nếu đa số người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và giữ vệ sinh thực phẩm.
Trưởng bộ phận dịch tễ của DDC Jakrat Phittayawong-anon cho rằng, việc không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng sẽ dẫn đến kịch bản xấu nhất là 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, với 6.000 bệnh nhân viêm phổi, trong đó có 1.700 người cần máy thở, và hơn 250 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã ban hành lệnh cấm tổ chức các hoạt động có nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19 trong dịp Tết cổ truyền của nước này từ ngày 14 - 16/4 và kéo dài lệnh cấm này đến hết ngày 30/4. Theo lệnh trên, các buổi hòa nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật và mọi hình thức biểu diễn ngoài trời đều không được phép diễn ra.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh Lào đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng, với số ca mắc mới được ghi nhận hàng ngày lên tới 1.000 - 2.000 trường hợp trong những tuần gần đây. Giới chức Lào lo ngại, số lượng ca bệnh sẽ tăng vọt trong dịp Tết cổ truyền của Lào khi người dân tổ chức các sự kiện ăn mừng năm mới. Ngoài lệnh cấm của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, chính quyền các tỉnh và thủ đô Vientiane cũng ban hành nhiều lệnh cấm trong dịp này.
Thông báo cập nhật vào ngày 5/4 của Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.272 ca mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 186.870 ca, trong đó có 682 người tử vong.
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong ngày 5/4 đã tăng mạnh trở lại so với một ngày trước đó. Cụ thể, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên mức 265,995 ca, cao hơn gấp đôi so với mức 127.190 ca của một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 14,26 triệu ca. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 347.554 ca ghi nhận một tuần trước đó.
Cũng trong 24 giờ qua, nước ngày ghi nhận thêm 209 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 17.662 ca. Tính đến nay, 32,83 triệu người, tương đương 64% dân số Hàn Quốc, đã tiêm mũi tăng cường. Số người tiêm đủ liều cơ bản hiện là 44,5 triệu người, chiếm 86,7%.
Ngày 5/4, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thượng Hải với trên 25 triệu dân sau cuộc kiểm tra trên toàn thành phố này. Cụ thể, chiến dịch xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố Thượng Hải cho thấy, số trường hợp COVID-19 mới tăng lên hơn 13.000 ca. Việc phong tỏa hiện đã được thực hiện trên toàn bộ thành phố này sau khi các hạn chế ở các quận phía Tây Thượng Hải được gia hạn cho đến khi có thông báo mới.
Ít nhất 38.000 nhân viên từ các khu vực khác của Trung Quốc đã được triển khai đến Thượng Hải để hỗ trợ thành phố chống dịch. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mô tả, đây là hoạt động y tế lớn nhất trên toàn quốc kể từ khi thành phố Vũ Hán đóng cửa vào đầu năm 2020 sau đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!