Số ca nhiễm vượt hơn 86.000 người
Theo số liệu từ đại học Johns Hopkins, lần đầu tiên trong đại dịch COVID-19, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt mặt Trung Quốc đại lục.
Thống kê từ đại học Johns Hopkins cho thấy, hiện số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã lên tới hơn 86.000 người. Trong khi con số này của Trung Quốc đại lục là 80.860 ca. Ngoài ra số ca tử vong vì COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận là 3.241 ca. Trong khi tại Trung Quốc đại lục là 3.208 ca.
Biểu đồ của đại học Johns Hopkins cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đạo lục (màu da cam)
Italy vẫn là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Tính đến 18h ngày 15/3 theo giờ địa phương (tức 0h ngày 16/3 giờ Hà Nội), Italy ghi nhận thêm 3.590 ca mới so với ngày 14/3, nâng tổng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 24.747 trường hợp.
Trong số các ca nhiễm, số ca tử vong là 1.809 trường hợp (tăng 368 ca). Vùng tâm dịch Lombardia ghi nhận 1.587 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 13.272 trường hợp và số ca tử vong là 1.218 (tăng 252 ca).
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Angelo Borrelli tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và chỉ ra ngoài do nhu cầu công việc, điều trị y tế và mua sắm nhu yếu phẩm.
Ở những quốc gia khác tại châu Âu, nơi mà WHO đánh giá là ổ dịch lớn nhất của COVID-19 cũng hết sức đáng lo ngại với: Pháp có 4.500 ca nhiễm – 91 người chết; Đức có 5.700 ca nhiễm – 11 người chết; Hà Lan có 2.270 ca nhiễm – 20 người chết; Thụy Sỹ có 2.200 ca nhiễm – 20 người chết…
Tại Anh, ngày 15/3 (rạng sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam), nhà chức trách y tế nước này thông báo, trong 24h qua, số người nước này tử vong do virus SAR-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng thêm 21 người, nâng tổng số trường hợp tử vong lên thành 35 người, trong khi số người được chẩn đoán nhiễm virus này tăng 20% lên 1.372 người.
Anh ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm SAR-CoV-2 hôm 31/1. Tổng số người được xét nghiệm y tế tại Anh là 40.279 người.
Trước đó cùng ngày Chính phủ Anh cho biết họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với COVID-19, trong đó có việc cách ly người cao tuổi "trong những tuần tới".
Bắt đầu từ sáng nay (16/3), Tây Ban Nha tiến hành phong tỏa toàn bộ đất nước. Quốc gia này có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao thứ hai châu Âu, sau Italy.
Đường phố Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha vắng lặng, khác hẳn với nhịp sống sôi động thường ngày. Cảnh sát được điều động tại các chốt kiểm soát. Thậm chí, cả các phương tiện giám sát tiên tiến như flycam cũng được áp dụng. Đó là những hình ảnh của Tây Ban Nha trong ngày đầu tiên áp dụng quy định tình trạng khẩn cấp trên toàn đất nước để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tại Mỹ, Tổng thống Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với COVID-19
Tại Mỹ, cách đây ít ngày, Tổng thống Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với COVID-19. Hiện Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ đã khuyến nghị người dân không nên tụ tập các sự kiện có hơn 50 người trong 8 tuần tới đây.
Số người tử vong ở Iran tiếp tục tăng, Trung Đông nỗ lực dập dịch
Cùng với Italy, quốc gia hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 là Iran. Quốc gia Hồi giáo này hiện ghi nhận gần 14.000 ca nhiễm, cùng với 724 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Qatar cho hay nước này đã ghi nhận thêm 64 ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Như vậy tính đến nay tại Qatar đã phát hiện tổng cộng 401 trường hợp mắc COVID-19.
Qata đã quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay tới nước này, ngoại trừ các đường bay quá cảnh và vận tải hàng hóa, đồng thời ngừng các dịch vụ giao thông công cộng. Chính phủ Iraq cùng ngày đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad kể từ ngày 17/3 cho đến ngày 24/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!