Sử dụng “bong bóng du lịch” để thoát khủng hoảng COVID-19 - Có cơ hội, có rủi ro

Việt Linh (Tổng hợp từ CNN, Nikkei, Bangkok Post)-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 06:25 GMT+7

"Bong bóng du lịch" đang nổi lên là giải pháp cứu vãn ngành du lịch toàn cầu (Nguồn: Nikkei)

VTV.vn - Mô hình “bong bóng du lịch” đang nổi lên như là một ý tưởng thoát hiểm cho ngành du lịch thời COVID-19. Nhưng cơ hội này "chắc ăn" đến đâu?

Ý tưởng "bong bóng du lịch" hình thành như thế nào?

Khái niệm "bong bóng du lịch", hay "hành lang du lịch", lần đầu tiên xuất hiện hồi đầu tháng 5 khi 2 quốc gia Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán về các biện pháp chung nhằm khôi phục du lịch. Cùng được xem là những cái tên thành công về kiểm soát dịch, 2 nước này đã tính đến phương án mở cửa lại biên giới, cho phép công dân đi lại giữa 2 bên không cần cách ly hoặc chỉ trong thời gian tối thiểu nếu họ đến từ các vùng đã khống chế được dịch.

Sử dụng “bong bóng du lịch” để thoát khủng hoảng COVID-19 - Có cơ hội, có rủi ro - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia và New Zealand thảo luận ý tưởng "bong bóng du lịch" đầu tiên (Nguồn: CNN)

Dù là ý tưởng đầu tiên nhưng bong bóng du lịch Australia - New Zealand lại tiến triển một cách khá chậm chạp. Phải tới cuối năm nay, kế hoạch được dự báo mới bắt đầu thực hiện nhưng kênh CNN đã sớm nhận định đây sẽ là một biện pháp hình mẫu để các quốc gia học hỏi trong việc khôi phục du lịch.

Châu Á đi tiên phong thiết lập các "bong bóng du lịch"

Cũng ngay trong tháng 5, một trong những "bong bóng du lịch" đầu tiên đã được thiết lập giữa hai nước Đông Bắc Á, theo đó du khách được nhập cảnh giữa Hàn Quốc và mười địa phương tại Trung Quốc không cần cách ly nếu đã có kết quả âm tính với COVID-19 từ trước khi nhập cảnh.

Người thừa kế ông lớn Hàn Quốc Samsung, phó chủ tịch JY Lee, chính là một trong những người đầu tiên tới Trung Quốc thông qua chương trình này với chuyến thăm ba ngày đến nhà máy Samsung ở tỉnh Thiểm Tây. Thành công từ chương trình này đã khuyến khích Hàn Quốc mở đàm phán các sáng kiến tương tự với Việt Nam, Hungary, Ba Lan và Côoét.

Sử dụng “bong bóng du lịch” để thoát khủng hoảng COVID-19 - Có cơ hội, có rủi ro - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong là một trong những du khách đầu tiên trong sáng kiến "bong bóng du lịch" Hàn Quốc – Trung Quốc (Nguồn: Yonhap)

Các quốc gia Đông Nam Á, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn du khách quốc tế, cũng đã sẵn sàng thực hiện "bong bóng du lịch" của riêng mình. Tương tự như Hàn Quốc, Singapore mới đây đã đưa 6 thành phố của Trung Quốc vào diện "xét duyệt nhanh" cho phép nhập cảnh không cần cách ly khi đã có xét nghiệm âm tính. Các "bong bóng du lịch" Malaysia - Singapore, Indonesia - Malaysia hay Malaysia - Australia cũng đang trong quá trình đàm phán.

Sốt sắng nhất với việc thiết lập "bong bóng du lịch" chính là Thái Lan bởi điểm đến du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á dự báo năm nay chỉ đạt chưa đến 1/4 con số gần 40 triệu lượt du khách quốc tế trong năm ngoái.

Sử dụng “bong bóng du lịch” để thoát khủng hoảng COVID-19 - Có cơ hội, có rủi ro - Ảnh 3.

Thái Lan đề xuất kế hoạch "bong bóng du lịch" 3 giai đoạn nhằm phục hồi ngành du lịch trong nước (Nguồn: Bangkok Post)

Bởi vậy mà đầu tháng 7, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã đưa ra một chương trình gồm ba giai đoạn. Giai đoạn một sẽ cho phép tối đa 1000 du khách nhập cảnh mỗi ngày, với các gói tour du lịch 6 - 7 ngày tại năm địa phương đầu tiên: Chiang Mai, Koh Samui, Krabi, Phuket và Pattaya. Những du khách đầu tiên được vào Thái Lan theo chương trình là du khách Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Tùy theo diễn biến dịch bệnh và việc đàm phán với các nước, giới chức Thái Lan sẽ quyết định các giai đoạn mở cửa tiếp theo của chương trình này.

Trong khi châu Á đang là "lá cờ đầu" thì châu Âu cũng đã có một "bong bóng du lịch" đầu tiên hồi tháng 5 giữa nhóm 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva.

Triển vọng tương lai của mô hình "bong bóng du lịch"

Trong ngắn hạn khi dịch bệnh vẫn đang là mối lo ngại thường trực thì theo CNN, "bong bóng du lịch" vẫn sẽ là một giải pháp ngắn hạn tương đối khả thi. Tuy nhiên, việc duy trì hệ thống này sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố.

Theo ông Benjamin Iaquinto, chuyên gia nghiên cứu du lịch tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), các nước cũng sẽ có xu hướng "ghép đôi" với những nước láng giềng và có mối quan hệ gần gũi với mình như trường hợp các nước Đông Nam Á hay giữa Australia & New Zealand.

Sử dụng “bong bóng du lịch” để thoát khủng hoảng COVID-19 - Có cơ hội, có rủi ro - Ảnh 4.

Các quốc gia có xu hướng lựa chọn những đối tác láng giềng gần gũi để cùng tham gia sáng kiến "bong bóng du lịch" (Nguồn: Reuters)

Một "nhân tố bí ẩn" lớn với du lịch tại các nước châu Á chính là Trung Quốc. Lượng du khách khổng lồ từ nước này đã là nguồn thu quan trọng từ trước dịch bệnh và điều này nhiều khả năng sẽ khiến các điểm đến châu Á có xu hướng "xích lại gần hơn" với quốc gia 1,4 tỷ dân để mở các "bong bóng du lịch".

Tuy nhiên trên hết, việc kiểm soát dịch bệnh, thể hiện qua các con số cụ thể, vẫn sẽ là tiêu chí đóng vai trò quan trọng hàng đầu và khó lường nhất. Chỉ một sự gia tăng bất thường trong số ca nhiễm mới ở một nước tham gia sẽ là một cú sốc và dẫn đến nguy cơ phá vỡ các "bong bóng du lịch" đã và đang triển khai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước