Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel

An Ngọc (Theo DW, Reuters, The Washington Post)-Chủ nhật, ngày 19/09/2021 09:42 GMT+7

VTV.vn - Sau 16 năm cầm quyền, kỷ nguyên của Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp kết thúc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước Đức, Thủ tướng sắp mãn nhiệm không tái ứng cử.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần được xướng tên trong số những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ca ngợi bà là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc trên toàn cầu. Các chuyên gia đánh giá, việc bà rời nhiệm sở sẽ để lại một khoảng trống lớn sau sự nghiệp chính trị kéo dài hơn ba thập kỷ.

Con đường chính trị

Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel có sự nghiệp chính trị dài hơn 3 thập kỷ. (Ảnh: Reuters)

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 đã mở ra thế giới chính trị cho bà Merkel, con gái của một mục sư ở Đông Đức. Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard vào năm 2019, bà đã nói về việc đi bộ qua bức tường mỗi ngày trên đường từ viện khoa học về nhà.

"Bức tường Berlin đã hạn chế cơ hội của tôi," bà nói. "Nó cản đường tôi, theo đúng nghĩa đen."

Khi biểu tượng của Chiến tranh Lạnh sụp đổ, bà Merkel đang ở tuổi 35. "Một cánh cửa đã bất ngờ mở ra ở nơi từng chỉ có một bức tường tăm tối," bà nói trong bài phát biểu. "Đối với tôi cũng vậy, khoảnh khắc bước qua cánh cửa đã đến. Vào thời điểm đó, tôi đã từ bỏ công việc của mình với tư cách một nhà khoa học và bước vào lĩnh vực chính trị. Đó là khoảng thời gian thật thú vị và kỳ diệu."

Lịch sử đó, theo nhiều cách, đã định hình nền chính trị của bà Merkel khi cố gắng định vị Đức và châu Âu như một cầu nối giữa Đông và Tây.

Khi tham gia chính trường, sự nghiệp của bà Merkel thăng tiến rất nhanh chóng. Bà gia nhập đảng Dân chủ Cơ đốc giáo truyền thống, bảo thủ, vốn do nam giới thống trị, và được bầu vào Quốc hội Đức vào năm 1990.

Năm 2005, bà giành được đề cử của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) ra tranh cử thủ tướng Đức và chiến thắng sít sao. Vào thời điểm đó, không nhiều người mong đợi bà sẽ mang đến những thay đổi sâu rộng.

"Nhiều người sẽ nói, ‘Liên minh này đang tiến hành nhiều bước đi nhỏ chứ không phải một bước đi lớn," bà nói trong bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là thủ tướng. "Tôi sẽ trả lời họ: ‘Vâng, đó chính xác là những gì chúng tôi làm.’"

Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn dắt nước Đức vượt qua nhiều khó khăn. (Ảnh: Reuters)

Bà nhậm chức trong một thời kỳ tương đối ổn định, nhưng châu Âu sau đó nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Khi cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2009, bà Merkel đã đi đầu trong nỗ lực cứu đồng tiền chung của châu lục. Bà lập luận: "Nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại."

Các chuyên gia nhận định, thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel là vào năm 2015, khi số lượng người tị nạn đến châu Âu bắt đầu tăng lên. Nhiều người đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria và thực hiện những cuộc hành trình nguy hiểm bằng đường biển đến châu Âu. Bà Merkel đã mở cánh cửa của nước Đức, với lời đảm bảo được đưa ra với người dân là: "Wir schaffen das" - "Chúng ta có thể làm được."

Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel. Đại dịch đã bộc lộ một số khiếm khuyết của nước Đức, bao gồm cả sự thiếu linh hoạt gây cản trở việc triển khai vaccine. Nhưng phần lớn người Đức vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của bà Merkel trong thời kỳ đại dịch.

Hiện tại ở tuổi 67, bà Merkel cho biết mình không có ý định tìm kiếm một vai trò chính trị mới.

Những chiếc áo vest của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel - Ảnh 3.

Những chiếc áo vest của bà Merkel thu hút nhiều sự quan tâm của người dân Đức. (Ảnh: Reuters)

Trong một thế giới đầy biến động, người Đức ít nhất đã tìm thấy một vật cố định đáng tin cậy. Đó là những chiếc áo vest của của Thủ tướng Angela Merkel.

Bà Merkel từng nói với tờ Zeit: "Đối với một người đàn ông, mặc một bộ vest màu xanh đậm trong một trăm ngày liên tiếp không có vấn đề gì, nhưng nếu tôi mặc cùng một chiếc áo đó bốn lần trong hai tuần, thì người dân sẽ viết thư cho tôi."

Trong 16 năm, bà Merkel đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo, công dân toàn cầu, và điều hành công việc trong những áo chiếc áo vest kiểu dáng giống hệt nhau, chỉ khác về màu sắc.

Trên nền chiếc áo, Bà Merkel thường tạo dáng đặc trưng bằng cách đan nhẹ các ngón tay vào nhau. Cách tạo dáng này được gọi vui bằng cái tên "Tam giác Merkel", được xem như một biểu tượng dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng người tị nạn và bây giờ là đại dịch COVID-19, mang lại cho người Đức cảm giác ổn định và bình tĩnh.

Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel có ý nghĩa gì đối với Đông Nam Á?

Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel - Ảnh 4.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời hậu Merkel, có thể có một số thay đổi đối với chính sách của Đức ở Đông Nam Á. Nhưng điều này phụ thuộc vào thành phần của chính phủ mới sau bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích cho rằng Đức đã dần chuyển hướng sang Đông Nam Á trong những năm cầm quyền cuối cùng của bà Merkel. Một số người suy đoán rằng chính phủ tiếp theo có thể có những bước phát triển hơn nữa trong cách tiếp cận của Đức với khu vực.

Cuộc bầu cử Đức đánh dấu sự kết thúc 16 năm làm thủ tướng của bà Merkel. Các chuyên gia cho rằng có khả năng chính phủ mới sẽ được thành lập mà không có liên minh một thời của bà Merkel là CDU và CSU, như một phần của liên minh cầm quyền. Các nhà phân tích cho rằng những yếu tố này có thể dẫn đến sự thay đổi trong chính sách.

Ông Jürgen Rüland, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Freiburg của Đức, giải thích rằng trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã tới thăm Trung Quốc 12 lần. Theo ông Rüland, điều này chỉ ra mối quan tâm của bà Merkel trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh - nhà nhập khẩu hàng hóa chủ chốt của Đức. Tương tự, bà Merkel đã đến thăm Đông Nam Á 3 lần trong thời gian giữ chức vụ thủ tướng.

Ngoài ra, mãi đến tháng 11/2019, Đức mới ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác - văn kiện quan trọng về các tiêu chuẩn hợp tác cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này có nghĩa là quốc gia Trung Âu này chỉ mới trở thành "đối tác phát triển" của ASEAN cách đây 3 năm.

"Mối quan tâm của Đức ở Đông Nam Á chủ yếu chỉ giới hạn trong quan hệ kinh tế - và ở một mức độ nào đó, là hợp tác phát triển," ông Rüland nói thêm.

Tuy nhiên, dưới thời bà Merkel, Đức đã có những động thái nhằm phát triển mối quan hệ giữa khối ASEAN và Liên minh châu Âu.

Tuyên bố Nuremberg về Quan hệ Đối tác Tăng cường EU-ASEAN được ký kết vào tháng 3/2007, khi Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU. Nhiệm kỳ chủ tịch EU của Đức vào nửa cuối năm 2020 đã chứng kiến ​​những tiến bộ hơn nữa trên mặt trận đó, chẳng hạn như đối thoại mới về các hiệp định thương mại tự do sau khi các hiệp định thương mại với Singapore và Việt Nam được phê chuẩn.

Sau đó, vào tháng 12/2020, ASEAN và EU đã nâng cấp quan hệ lên thành "quan hệ đối tác chiến lược" - một sự phát triển mà Brussels đã vận động trong nhiều năm.

Ông Alfred Gerstl, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đông Nam Á tại Đại học Palacky, Cộng hòa Séc, cho biết đây là "mục tiêu cốt lõi" của Đức trong nhiệm kỳ chủ tịch EU.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời hậu Merkel, có thể có một số thay đổi đối với chính sách của Đức ở Đông Nam Á. Nhưng điều này phụ thuộc vào thành phần của chính phủ mới sau bầu cử.

Bà Angela Merkel 9 năm liên tiếp là người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới Bà Angela Merkel 9 năm liên tiếp là người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới

VTV.vn - Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục trở thành người đứng đầu bảng xếp hạng 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 theo đánh giá của Tạp chí Forbes.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước