1. Hội nghị thượng đỉnh G7
Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc ngày 26/5 tại Ise Shima (Nhật Bản).
Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước G7 đã tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại toàn cầu, chống khủng bố, điểm nóng Trung Đông, Triều Tiên, tình hình Ukraine, Biển Đông, Hoa Đông, hợp tác chống biến đổi khí hậu theo thỏa thuận COP21 (thỏa thuận đạt được tại Paris năm ngoái), thúc đẩy triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự phát triển 2030.
Trong tuyên bố chung, G7 thừa nhận những thách thức của kinh tế thế giới hiện nay nghiêm trọng nhất là sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi và khuyến cáo những nước thành viên đưa ra các gói kích cầu tùy tình hình thực tế của mỗi nước.
Về vấn đề Biển Đông, các nước G7 tán thành các tuyên bố đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 4/2016, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh sử dụng vũ lực. Trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, các nước thành viên G7 đều bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng trong tuyên bố chung, G7 cam kết nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, phản đối chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
2. Tổng thống Mỹ Barack Obama và chuyến công du lịch sử tới Việt Nam và Nhật Bản
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống George W.Bush - năm 2006).
Tại cuộc họp báo quốc tế sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama đã công bố quyết định, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, qua đó giúp bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, hai nước đã phát triển mối quan hệ hợp tác, tin tưởng lẫn nhau. Ông bày tỏ hy vọng hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ sâu sắc thêm trong thời gian tới.
Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới. Các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Reuter, các kênh truyền hình hàng đầu như CNN, ABC... đều đưa tin về sự kiện được đánh giá là "lịch sử" này.
Sau Việt Nam, ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm thành phố Hiroshima, trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố này kể từ sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 tại Nhật Bản.
Cùng với Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, Tổng thống Obama đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, ký ức về vụ ném bom nguyên tử cách đây hơn 70 năm tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Ít nhất 140.000 người đã thiệt mạng tại Hiroshima và 80.000 người đã chết khi Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ 2 xuống thành phố Nagasaki 3 ngày sau đó. Cũng tại đây, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp gỡ những nạn nhân sống sót trong vụ ném bom nguyên tử, những người mang nhiều vết thương trên thân thể và những ký ức đau buồn trong tâm trí.
3. Ông Donald Trump đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ
Một tin tức quốc tế cũng rất được quan tâm trong tuần qua là việc tỷ phú Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại cử tri và chính thức trở thành ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hoà tranh cử vào Nhà Trắng vào đầu tháng 11 tới.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang miền Tây Washington, tỷ phú Donald Trump đã thắng tuyệt đối và nâng tổng số phiếu đại cử tri lên 1.239 phiếu, vượt 2 phiếu so với mức quy định 1.237 phiếu đại cử tri để chắc chắn trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.
4. Bắt được tín hiệu từ bộ định vị của máy bay Ai Cập MS804
Nhà chức trách Ai Cập cho biết đã phát hiện tín hiệu từ thiết bị định vị trên máy bay được cho là của chiếc máy bay của hãng hàng không Ai Cập gặp nạn trên biển Địa Trung Hải. Điều này cho phép lực lượng tìm kiếm cứu nạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống còn một khu vực có bán kính rộng gần 5 km tại vùng biển này.
Theo CNN, bộ phát định vị khẩn cấp là thiết bị gửi tín hiệu lên vệ tinh, được sử dụng để xác định xác máy bay hoặc tàu bị nạn. Hiện các đội tìm kiếm vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm hai hộp đen của MS804 bởi pin hộp đen máy bay chỉ đủ để duy trì việc phát tín hiệu trong 30 ngày.
5. Phát hiện siêu vi khuẩn kháng thuốc tại Mỹ
Quan chức Y tế Mỹ hôm 26/5 thông báo phát hiện trường hợp đầu tiên tại nước này mắc siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh.
Phát hiện này khiến giới chức y tế Mỹ lo ngại về nguy cơ lây lan của siêu vi khuẩn kháng thuốc này, nhất là có thể gây nguy hiểm tính mạng cho các bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường.
Phát biểu ngày 26/5 tại Washington - Mỹ, ông Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, ca nhiễm mắc siêu vi khuẩn kháng thuốc đầu tiên của Mỹ là một phụ nữ 49 tuổi, người bang Pennsylvania, bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Siêu vi khuẩn kháng thuốc được phát hiện trong mẫu nước tiểu của nữ bệnh nhân này. Tuy không cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng bệnh nhân song ông Frieden cho biết, bệnh nhân này chưa ra khỏi nước Mỹ trong vòng 5 tháng qua và do đó không thể bị nhiễm siêu vi khuẩn này từ bên ngoài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!