Cảnh sát phong tỏa giao thông tuyến đường gần hiện trường vụ xả súng. (Ảnh: Reuters)
1. Xả súng tại Munich, Đức
Ngày 22/7, một vụ xả súng đã xảy ra tại một trung tâm thương mại ở Munich, giết chết 9 người và làm hơn 20 người khác bị thương. Cảnh sát Đức cho biết kẻ xả súng đã tự sát ngay sau đó.
Kẻ tình nghi là một người Iran 18 tuổi sống tại Munich. Tuy nhiên, động cơ khủng bố của tên này vẫn chưa được xác định.
Ngay sau khi một bản báo cáo cho biết có tới 3 tay súng liên quan tới vụ khủng bố này, cảnh sát Đức đã tiến hành một cuộc truy lùng gắt gao và phát hiện thi thể của một nghi phạm nằm cách trung tâm thương mại khoảng 1km.
Trong một cuộc họp báo vào sáng sớm 23/7, đại diện cảnh sát cho biết nghi phạm không nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát và cũng không có bất cứ liên hệ nào với các tổ chức khủng bố. Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành nhằm làm rõ động cơ của việc xả súng.
Trước đó, nhiều báo cáo cho biết có tới 3 kẻ khủng bố tấn công trung tâm thương mại khi nhiều nhân chứng nhìn thấy 2 kẻ bỏ chạy khỏi hiện trường trong một chiếc ô tô. Tuy nhiên sau đó, 2 người này được xác định là không liên quan tới vụ xả súng.
2. Tỷ phú Donald Trump chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa
Sáng 22/7 - theo giờ Việt Nam, tỷ phú Donald Trump đã chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong bài diễn văn kết thúc Đại hội toàn quốc lần thứ 41 của Đảng Cộng hòa diễn ra ở thành phố Cleverland, bang Ohio, Mỹ, ông Trump đã tuyên bố chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa để trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử năm nay.
Như vậy, ông Donald Trump sẽ chính thức bước vào cuộc chạy đua "song mã" với một đối thủ Dân chủ sau khi đảng Dân chủ tiến hành đại hội Đảng toàn quốc từ ngày 25 - 28/7 tới.
3. Bầu chọn tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Đêm 21/7 (giờ Việt Nam), tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến vòng đầu tiên dành cho các ứng viên tranh cử vào chức Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ tới. Sau nhiều giờ thảo luận kín, cuộc bỏ phiếu thăm dò cuối cùng cũng được Nhật Bản - chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an tháng 7 - thông báo là đã kết thúc. Kết quả cụ thể không được công bố.
Theo quy định mới, chỉ có những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm 5 nước Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và nước làm chủ tịch Hội đồng Bảo an luân phiên theo tháng được tham dự bỏ phiếu. Ba mục cho các nước có thể đưa ra quan điểm về các ứng viên gồm “khuyến khích đi tiếp”, “không khuyến khích” và “không có quan điểm gì”. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, Hội đồng Bảo an vẫn chưa đưa ra được một quy trình rõ ràng, hoàn chỉnh.
4. Công bố vaccine mới chống virus HIV
Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về phòng chống AIDS lần thứ 21 đang diễn ra tại Nam Phi, các nhà nghiên cứu đã công bố một loại vaccine phòng ngừa lây nhiễm HIV mới mang tên HVTN 100.
Kết quả thí nghiệm đã cho thấy, một trong những ưu điểm của vaccine mới là tìm ra những kháng thể trung gian, giúp nâng khả năng kháng virus HIV và miễn dịch cao nhất cho đến thời điểm này.
Hiện vaccine HVTN 100 đang được thử nghiệm trên một số nhóm người tình nguyện tại Nam Phi, để xác định về mức độ phản ứng miễn dịch.
5. Ngừng chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370
Sau hơn 2 năm nỗ lực tìm kiếm trên một vùng biển rộng lớn hơn 100.000 km2, Chính phủ Malaysia, Australia và Trung Quốc ngày 22/7 đã ra thông báo ngừng cuộc tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích hôm 8/3/2014 sau khi các cuộc tìm kiếm tại khu vực hiện tại không đạt kết quả.
Ngày 22/7, phát biểu sau cuộc họp tại Malaysia, các Bộ trưởng Giao thông của 3 nước thừa nhận rằng bất chấp các nỗ lực của tất cả các bên liên quan, khả năng tìm ra chiếc máy bay ngày càng mong manh.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Beijing) hồi tháng 3/2014 đã biến mất khỏi màn hình radar. Theo giả thiết, máy bay đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.
Trong hơn 2 năm qua, Australia đã điều phối một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử tại vùng biển rộng khoảng 120.000 km2 ở phía Nam Ấn Độ Dương, được cho là nơi máy bay rơi. Đến nay, hoạt động tìm kiếm đã được triển khai trên diện tích 105.000 km2 trong khu vực trên, song chưa đạt kết quả khả quan. Nhiều mảnh vỡ được cho là thuộc MH370 đã được tìm thấy trên các đảo Reunion và Mauritius cũng như ngoài khơi Nam Phi và Mozambique nhưng vẫn chưa xác định được vị trí cuối cùng của chiếc máy bay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!