Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)
1. Thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng thống đắc cử Mỹ
Việc một Thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng thống đắc cử Mỹ trước khi nhậm chức là điều hiếm thấy. Tại Tòa tháp Trump ở New York, Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
"Thảo luận thẳng thắn và không khí ấm cúng" là những gì Thủ tướng Shinzo Abe mô tả về cuộc gặp kéo dài 90 phút với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Abe tin tưởng rằng Mỹ và Nhật Bản có thể duy trì quan hệ tin cậy dưới thời chính quyền Donald Trump.
Nội dung chi tiết của cuộc gặp không được tiết lộ bởi theo ông Abe, đây là chuyến thăm không chính thức trong thời gian ông Trump vẫn chưa nhậm chức Tổng thống. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, ông Abe muốn tranh thủ cuộc gặp này để kiểm chứng những phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.
Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Donald Trump sau khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Cuộc gặp được quyết định và thu xếp một cách chóng vánh, chỉ trong 1 tuần, cho thấy Nhật Bản lo lắng trước những tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.
2. Nga bắt giữ cựu Phó Thống đốc Saint Peterburg
Ông Marat Oganesyan, cựu Phó Thống đốc thành phố Saint Peterburg, Nga đã bị bắt giữ do bị tình nghi biển thủ tiền ngân sách cấp cho dự án xây dựng sân vận động Zenit-Arena, dự kiến sẽ được sử dụng cho World Cup 2018.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết, ông Oganesyan đã sử dụng vị trí phụ trách dự án để chuyển 50 triệu Ruble (tương đương hơn 760.000 USD) cho một công ty để cung cấp bảng điện tử tại sân vận động. Tuy nhiên điều tra đã xác minh đây là một hợp đồng giả nhằm mục tiêu biển thủ ngân sách.
3. Hàn Quốc cho phép công tố viên điều tra bê bối chính trị của Tổng thống
Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua dự luật về việc lựa chọn một công tố viên đặc biệt để điều tra vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye.
Theo đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye được quyền chọn 1 trong 2 ứng cử viên do các đảng đối lập chính đề xuất làm công tố viên đặc biệt. Như vậy, nhiều khả năng bà Park sẽ bị thẩm vấn bởi công tố viên độc lập chứ không phải công tố viên của chính phủ như ban đầu.
Nhóm điều tra đặc biệt gồm hơn 60 người, trong đó có 20 công tố viên, có thời hạn 4 tháng để hoàn tất quá trình điều tra vụ việc.
Trong vài tuần qua, bà Park đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức sau khi người bạn thân 60 tuổi của bà - bà Choi Soon Sil - bị cáo buộc là "Tổng thống trong bóng tối". Bà Choi không giữ một chức vụ nào trong chính quyền đương nhiệm, đã bị bắt giữ với lời cáo buộc lạm dụng quyền lực và âm mưu gian lận, can thiệp vào các công việc quan trọng của nhà nước và sử dụng quan hệ với Tổng thống nhằm trục lợi về tài chính.
Vụ bê bối này đã khiến hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc đổ xuống đường phản đối, tạo ra một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại quốc gia này.
4. Tổng thống Nga cách chức Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế
Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cách chức Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế đối với ông Aleksei Ulyukaev với lý do ông này đã "đánh mất lòng tin".
Theo Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, ông Ulyukaev bị bắt quả tang nhận hối lộ 2 triệu USD để đưa ra đánh giá tích cực cho phép Tập đoàn dầu khí Rosneft mua hơn 50% cổ phần nhà nước tại Công ty dầu mỏ Bashneft. Ngày 15/11, Tòa án quận Basmanny, thành phố Moscow, Liên bang Nga đã ra phán quyết quản thúc tại gia đối với ông Ulyukaev đến ngày 15/1/2017.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga khẳng định sẽ đẩy nhanh quá trình điều tra và để hoàn tất hồ sơ đưa ra tòa án xét xử, theo đó cho biết vị bộ trưởng này có thể đối mặt với mức án từ 8 - 15 năm tù giam.
5. Nga rút khỏi Quy chế Rome của ICC
Nga tuyên bố chính thức rút khỏi Quy chế Rome (Quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế - ICC) vì cho rằng tòa án này không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, ICC không thực sự độc lập, đồng thời vận hành theo hướng một chiều và không hiệu quả. Nga không hài lòng với phán quyết của ICC về cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008. Tuy nhiên, người phát ngôn LHQ cho biết, tới ngày 16/11 vẫn chưa nhận được đơn rút chính thức của Nga.
Trước sự quay lưng của Nga và tuyên bố rút khỏi ICC của 3 nước châu Phi, tại cuộc họp thường niên của cơ quan này, những người ủng hộ ICC đã kêu gọi các thành viên đoàn kết. ICC được thành lập vào năm 2002 với 124 thành viên.
Nga rút khỏi Quy chế Rome của ICC VTV.vn - Nga tuyên bố chính thức rút khỏi Quy chế Rome (Quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế ICC) vì cho rằng, tòa án này không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
6. Trung Quốc: Nghi can tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất ra đầu thú
Nghi can tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất Trung Quốc - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang Dương Tú Châu - đã đầu thú sau khi trở về từ Mỹ.
Bà Dương Tú Châu, 70 tuổi, bị truy nã vì tội danh biển thủ hơn 40 triệu USD. Sau 13 năm lẩn trốn ở nước ngoài, bà Dương Tú Châu đã đầu thú trước nhà chức trách Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đây là một kết quả quan trọng của hợp tác chống tham nhũng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bà Dương Tú Châu là nhân vật số 1 trong danh sách 100 người bỏ trốn của Trung Quốc được ban hành thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) hồi năm 2015, khi nước này tiến hành chiến dịch "Lưới trời" nhằm truy bắt các quan chức phạm tội tham nhũng ở nước ngoài. Đây là nhân vật thứ 37 đã về nước đầu thú.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!