Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Đông là Iran và Saudi Arabia với sự trung gian hòa giải của Trung Quốc cho thấy cán cân chiến lược của Trung Đông đang thay đổi sâu sắc.
Vai trò của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông, ở Vùng Vịnh nên được đánh giá như thế nào? Sự nổi lên của Trung Quốc tại Vùng Vịnh liệu có thách thức vị thế của Mỹ như một cường quốc có ảnh hưởng bậc nhất tại Trung Đông? Điều đó tác động như thế nào tới cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới?
Trung Quốc bắc cầu quan hệ ở Vùng Vịnh
Ngày 10/3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hai quốc gia thù nghịch ở Vùng Vịnh là Iran và Saudi Arabia đã ký vào một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nối lại quan hệ vốn bị gián đoạn từ năm 2016. Trung Quốc làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận đột phá này.
Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc - Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh ngày 10/3/2023 (Ảnh: China Daily)
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc đàm phán bí mật 4 ngày giữa Tehran và Riyadh tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, đây là thắng lợi lớn của Trung Quốc về ngoại giao, cho dù tiến trình ngoại giao hòa giải hai quốc gia Hồi giáo theo hai hệ phái khác nhau đã được khởi động từ năm 2021 tại Iraq.
Thỏa thuận đã ghi dấu ấn cho Trung Quốc như một nhà trung gian hòa giải ở khu vực vốn đầy những bất đồng ở Trung Đông đồng thời củng cố lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Vùng Vịnh - khu vực vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.
Trong thông cáo chung, Tehran và Riyadh cho biết, hai bên đồng ý cho mở lại đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao trong thời hạn tối đa là 2 tháng tới.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc (Ảnh: VCG)
Ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Trung Quốc - cho biết: "Tôi nghĩ rằng thỏa thuận này là tín hiệu rất rõ ràng đến thế giới. Đầu tiên, không chỉ có cuộc khủng hoảng Ukraine trên thế giới mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hòa bình và sinh kế của người dân cần được tất cả các bên chú ý và cần phải xử lý kịp thời, phù hợp. Tín hiệu thứ hai là dù vấn đề có phức tạp đến đâu, thách thức, gay go đến đâu, miễn là chúng ta ngồi lại với nhau trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và đối thoại bình đẳng. Chúng ta có thể tìm được giải pháp được cả hai bên chấp nhận".
Thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Saudi Arabia mang lại nhiều lợi ích cho khu vực. Với Iran, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ phá vỡ tảng băng thù nghịch giữa nước này với nhiều quốc gia, có thể mở đường cho các thỏa thuận tiếp theo với các quốc gia Arab khác ở Trung Đông và Bắc Phi, có thể chấm dứt chiến tranh ở Yemen, dẫn tới một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng ở Lebanon và thậm chí sẽ giúp nối lại đàm phán, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Ngoài ra, thỏa thuận sẽ buộc Mỹ phải đánh giá lại vị thế của mình trong khu vực Trung Đông khi cho thấy chính Bắc Kinh chứ không phải Washington có khả năng giàn xếp bất đồng trong khu vực xưa nay vẫn thuộc ảnh hưởng của Mỹ.
Ảnh hưởng của Mỹ suy giảm tại Vùng Vịnh
Thực tế, quá trình hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đã bắt đầu từ cách đây vài năm tại Iraq và Oman. Trung Quốc cũng không phải là nhà bảo trợ cho toàn bộ quá trình hòa giải giữa hai nước cho dù thỏa thuận có được ký kết tại Bắc Kinh.
Có một luồng quan điểm tại Trung Đông cho rằng, không nên cường điệu hóa vai trò của Trung Quốc sau thỏa thuận vừa đạt được tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận rằng, khi một thỏa thuận hòa giải giữa hai cường quốc ở Trung Đông được thực hiện tại Bắc Kinh, nó đã cho thấy những vấn đề rõ ràng trong chính sách của Washington tại Trung Đông, cụ thể hơn là chính sách bao vây, cô lập của Mỹ đối với Iran.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và kể từ đó áp đặt hơn 1.500 lệnh cấm vận vào Iran. Tuy nhiên giờ đây, Iran vẫn đứng vững, thay vì bị bao vây, cô lập thì nay Tehran đang mở rộng quan hệ với cả những quốc gia được xem là đối trọng, thậm chí là đối thủ số 1 của Iran trong khu vực như Saudi Arabia. Mỹ hoàn toàn không thể can dự vào quá trình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!