Gần 78% người dân Nga ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp, đây là kết quả sơ bộ được Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố vào sáng 2/7 sau khi đã kiểm đếm 100% số phiếu. Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Liên bang Nga, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 64,99%. Tỷ lệ ủng hộ này cao hơn 18% so với cuộc bỏ phiếu toàn dân thông qua hiến pháp vào năm 1993.
Gói sửa đổi hiến pháp đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung 5 điều mới, liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong hiến pháp hiện hành của nước Nga được thiết lập từ năm 1993. Việc sửa đổi hiến pháp khi được thông qua sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng ở nước Nga, tăng cường vai trò của Quốc hội, hướng tới một hệ thống nghị viện cân bằng.
Ông Putin hoàn thành thủ tục để vào bỏ phiếu tại Moscow. (Ảnh: AP)
Mặc dù việc sửa đổi hiến pháp của Nga gây chú ý với báo giới nước ngoài về sự thay đổi nhiệm kỳ Tổng thống, cho phép Tổng thống đương nhiệm là ông Putin tiếp tục ra tranh cử vào năm 2024, theo các chuyên gia, có hơn 200 đề xuất sửa đổi tập trung vào 2 mục tiêu đảm bảo quyền lực Nhà nước, thực thi an ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng quyền của người dân, đảm bảo mức sống ngày càng phát triển.
Các đề xuất từ tăng lương hưu và lương tối thiểu cũng như điều chỉnh hạn chế nhiệm kỳ Tổng thống, qua đó ông Putin có thể tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, đều đã được người dân Nga chấp thuận.
Đã có 65% trong tổng số 110 triệu cử tri Nga đi bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp trong những ngày qua với tỷ lệ 78% ủng hộ từ kết quả sơ bộ. Việc sửa đổi hiến pháp sẽ có hiệu lực sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương Liên bang Nga công bố kết quả chính thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!