Một sự kiện quốc tế đáng chú ý đang diễn ra tại Ấn Độ. Đó là việc các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại thành phố Gandhinagar, bang Gujarat. Cuộc họp nhằm thảo luận các nội dung theo Khuôn khổ chung - sáng kiến G20 đưa ra năm 2020, giúp giãn nợ cho các nước nghèo, thảo luận về các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, cũng như các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.
Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự hai ngày là nỗ lực giải quyết nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nước, đặc biệt là các nước chủ nợ lớn trong vấn đề này.
Bà Nirmala Sitharaman - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ nói: "Các cuộc thảo luận của chúng tôi nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ và Mỹ trong việc tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự G20. Những cam kết này bao gồm giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng như củng cố các ngân hàng phát triển đa phương, thực hiện hành động khí hậu phối hợp, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho sự đồng thuận đối với các vấn đề nan giải liên quan đến nợ nần gia tăng của các nước thu nhập thấp và trung bình".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng cần làm việc với các tổ chức tài chính và cơ quan liên quan để sớm triển khai các gói tài trợ. "Đầu tiên chúng tôi sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan liên quan để thúc đẩy khuôn khổ và nguyên tắc sử dụng tài chính ưu đãi có mục đích cho các thách thức toàn cầu. Điều này sẽ cho phép chúng tôi triển khai tài trợ ưu đãi cho các lĩnh vực có tác động lớn nhất".
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nợ công toàn cầu đã đạt mức chưa từng có với 92.000 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó các nước đang phát triển phải gánh một khoản nợ không tương xứng. Kể từ năm 2000, nợ công thế giới đã tăng hơn 5 lần, vượt xa GDP toàn cầu. Gần 30% tổng nợ toàn cầu là của các nước đang phát triển.
Nợ công toàn cầu tăng lên 92 nghìn tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, nợ công toàn cầu tăng lên con số kỷ lục 92 nghìn tỷ USD. Đây được xem là hệ quả của cuộc chiến chống lại COVID-19, cuộc chiến đã khiến cho rất nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, không có cách nào khác là phải tăng cường vay mượn thì mới có tiền để chống dịch, rồi mua vaccine.
Ngay trong cuộc họp, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cảnh báo: tới hơn một nửa số quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới hiện nay đang gần hoặc đã rơi vào tình trạng khó có khả năng thanh toán được nợ công. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2015.
Sức ép nợ công kỷ lục đối với nhiều quốc gia đang phát triển lại đến đúng vào lúc thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn. Từ mối đe dọa an ninh lương thực cho đến an ninh năng lượng gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, hay biến đối khí hậu. Năm nay lại còn là năm mà thế giới đối mặt với chu kỳ thời tiết El Nino, sức tàn phá của nắng nóng, hạn hán và cả lũ lụt...
Triển vọng chính sách giải quyết nợ công
Theo tuyên bố được G20 đưa ra thì những bước tiến mà họ đạt được đến thời điểm này là không mấy tích cực. Cụ thể là Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất thế giới hiện nay thì lại chưa có chung quan điểm với nhiều nước G20 khác trong việc tái cơ cấu nợ. Nói một cách dễ hiểu hơn là Bắc Kinh chưa chấp nhận quan điểm của nhiều nước G20 khác trong việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho các quốc gia đang phát triển, khó trả nợ thông qua việc giãn thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, hay thậm chí là xóa bớt nợ.
Quy luật xưa nay, nợ thì phải trả, nhưng nợ công thì không giống nợ thông thường trong xã hội. Một quốc gia chịu quá nhiều sức ép về nợ công, không vay mượn được nữa, thì nó sẽ có thể đe dọa tới cả các vấn đề an sinh xã hội. Rồi nền kinh tế của một quốc gia nếu để nợ công bóp nghẹt, rất có thể sẽ liên lụy tới cả sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Đó là lý do giải quyết nguy cơ nợ công toàn cầu đang được Ấn Độ, với vai trò Chủ tịch luân phiên của G20 xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự G20 năm nay.
Lẽ dĩ nhiên, một quốc gia không trả nợ được thì cũng không ai cưỡng chế được gì. Nhưng G20 đang muốn thúc đẩy một cách thức tái cơ cấu nợ công cho các quốc gia thu nhập trung bình một cách thuận lợi, chứ không phải là đẩy họ vào tình trạng phải chịu một loạt các sức ép, chi phối của các chủ nợ thì mới được tái cơ cấu nợ.
Hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới có nguy cơ cao lâm vào cảnh túng quẫn hoặc đã ở trong tình trạng đó và một số quốc gia đã vỡ nợ. Mặc dù các nền kinh tế lớn nhất G20 đã đồng ý với một kế hoạch có tên là Khuôn khổ chung để làm trơn tru quá trình tái cơ cấu các khoản vay mà các chính phủ không còn đủ khả năng chi trả hoặc trả nợ, nhưng cho đến nay, mới chỉ có Zambia đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ 6,3 tỷ USD với các chính phủ nước ngoài trong đó có Trung Quốc, được xem là bước đột phá đối với các nước dễ bị tổn thương trong khủng hoảng. Các biện pháp xử lý nợ cho Ghana và Sri Lanka hy vọng cũng có thể được "hoàn tất nhanh chóng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!