Khí thải “nhà kính” gây biến đổi khí hậu Trái Đất. (Ảnh minh họa)
Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 20) tại Thủ đô Lima đã bước vào những ngày cuối. Trước phiên bế mạc hai ngày, các nhà hoạt động môi trường khắp nơi trên thế giới đã đổ về Lima gây sức ép lên các cuộc đàm phán. Bên trong hội nghị, nguyên thủ nhiều quốc gia cũng tranh thủ thời gian ngắn ngủi còn lại để cố gắng đạt được một thoả thuận trong cuộc chiến đối phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
Hàng nghìn người đến từ nhiều quốc gia đã đổ về Thủ đô Lima tham dự cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu. Họ muốn gây sức ép lên hội nghị đang diễn ra gần đó, nơi lãnh đạo và các chuyên gia của hơn 190 quốc gia đang đàm phán về những nội dung và một bản thoả thuận sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sang năm tại Paris.
Chị Katy Betancourt, Thành viên ban lãnh đạo cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu cho biết: “Chúng tôi muốn các cơ quan chức năng, các nước, các vị Tổng thống hãy lắng nghe chúng tôi, để hiểu rằng biến đổi khí hậu đang là vấn đề của hiện tại, chứ không phải của tương lai và giờ chúng ta phải ngồi lại và suy nghĩ. Đó là điều chúng tôi muốn cho con cháu, để chúng có chỗ mà sống”.
Cùng lúc khi cuộc tuần hành diễn ra, bên trong hội nghị, nguyên thủ các nước Mỹ Latin và Tổng thư ký LHQ đã cùng lên tiếng kêu gọi, thúc giục các bên hành động mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế những tác động từ việc Trái Đất nóng lên.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Hãy biến Lima và COP 20 thành địa điểm nơi chúng ta viết nên lịch sử và tái cam kết sẽ cùng làm cho thế giới này trở nên tốt hơn cho tất cả mọi người. Đó là cam kết của tôi và LHQ. Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ cùng đi trên con đường này, sẽ cùng mang lại cho nhau con đường phát triển bền vững, nơi giá trị của tất cả mọi người đều được tôn trọng”.
Hội nghị LHQ về khí hậu kéo dài trong suốt 2 tuần. Hiện giờ, đại diện của hơn 190 nước chỉ còn chưa đầy 2 ngày để đàm phán nốt về một thoả thuận khung sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh năm tới. Đây là bản thoả thuận rất quan trọng đối với cuộc chiến chung nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
Các nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên tiếng. Thế nhưng, như thế chưa đủ. Hội nghị lần này có thành công hay không, mức độ thoả thuận đạt được đến đâu, vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác của các nước có lượng khí phát thải lớn. Trong khi các nước đang phát triển muốn đạt được một kết quả đầy tham vọng, thậm chí một số kêu gọi đặt mục tiêu đến năm 2050 cắt giảm hiệu ứng nhà kính về con số 0, Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại lo ngại sẽ bị tổn thất khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Họ chỉ muốn đặt ra những mục tiêu dài hạn và không rõ ràng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.