Xe tải chở vaccine phòng bệnh tả ở cảng Sudan, Sudan, ngày 5/10 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Lô vaccine này nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi đợt bùng phát dịch tả đã ảnh hưởng đến 10 trong số 18 bang của Sudan kể từ tháng 7, gây ra hơn 18.000 ca mắc và 550 người tử vong - UNICEF cho biết trong một tuyên bố. Sudan đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến hơn 20.000 người.
Số vaccine này do Liên minh Vaccine toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp. Vaccine sẽ được phân phối đến 3 bang để tiêm chủng cho hơn 1 triệu người từ 1 tuổi trở lên.
Trước đó, 404.000 liều vaccine phòng tả đã được giao cho Sudan vào tháng 9, hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra nhắm vào 1,81 triệu người ở những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất - tuyên bố nhấn mạnh.
"Việc cung cấp vaccine phòng tả là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người này" - ông Sheldon Yett, đại diện của UNICEF tại Sudan, cho biết.
Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại một trung tâm cách ly nông thôn ở Wad Al-Hilu thuộc bang Kassala, miền Đông Sudan, ngày 17/8 (Ảnh: AFP/Getty Images]
Theo đại diện UNICEF tại Sudan, ước tính có 3,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh dịch, trong đó có 3,1 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tả tính đến tháng 12 năm nay.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sudan đang gặp khó khăn, với tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc giảm từ 85% xuống 50% và hơn 70% bệnh viện ở các khu vực xung đột không hoạt động.
Sudan đã bị tàn phá bởi cuộc chiến giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) kể từ tháng 4/2023. Ít nhất 12.260 người đã thiệt mạng và hơn 33.000 người bị thương trong cuộc giao tranh tại Sudan - theo số liệu của Liên hợp quốc.
Khi mùa mưa bắt đầu, người dân - đặc biệt là những người phải di dời trú ẩn trong các địa điểm tạm bợ và lều trại - đã phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục sơ tán, các bệnh truyền nhiễm và mối đe dọa trực tiếp của mưa lớn và lũ lụt. Nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tả gia tăng được cho là do các điều kiện về môi trường không đảm bảo, xung đột và việc sử dụng nước bị nhiễm khuẩn.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp tục trở nên tồi tệ hơn ở Sudan khi gần 6,8 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, tìm kiếm sự an toàn ở các khu vực khác của đất nước hoặc các quốc gia lân cận. Một số thỏa thuận ngừng bắn do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian đã không thể chấm dứt tình trạng bạo lực ở Sudan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!