Tấn công mạng - Nguy cơ thực sự đe dọa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thanh Hiệp (Tổng hợp từ Forbes, CNN, CNBC, NBC News, Microsoft, The Hill)-Thứ sáu, ngày 09/10/2020 06:11 GMT+7

VTV.vn - Như thể còn chưa đủ vấn đề, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các vụ tấn công mạng ở cả trong và ngoài nước.

Người dân Mỹ lo ngại về nguy cơ tấn công mạng từ nước ngoài

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ngày càng nhiều người dân Mỹ tỏ ra lo ngại về rủi ro từ các cuộc tấn công mạng. Trang tin The Hill dẫn kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 2/10 cho thấy phần lớn người dân Mỹ, khoảng 59%, đã bày tỏ lo ngại trước khả năng can thiệp bầu cử từ nước ngoài.

Cuộc thăm dò do Trường Chính sách Công Harris thuộc Đại học Chicago và Trung tâm Nghiên cứu về vấn đề công chúng của Associated Press-NORC tiến hành cho thấy đa số người Mỹ lo ngại về việc các chính phủ nước ngoài tìm cách can thiệp vào quá trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11 bằng cách tác động đến nhận thức của cử tri.

Tấn công mạng - Nguy cơ thực sự đe dọa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều người dân Mỹ lo ngại nguy cơ cuộc bầu cử bị can thiệp (Nguồn: CNN)

Bên cạnh đó, những người được hỏi cũng nêu ra những lo ngại về khả năng các chiến dịch can thiệp từ nước ngoài sẽ bao gồm các hoạt động đánh cắp và làm rò rỉ dữ liệu, gây ảnh hưởng đến các chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên cũng như tấn công vào hệ thống cơ sở hạ tầng bỏ phiếu.

Cuộc thăm dò được tiến hành trong tháng 9 với sự tham gia của hơn 1.000 người dân Mỹ ở tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C.

Theo cuộc thăm dò, mức độ lo ngại về sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có sự khác biệt, tùy thuộc vào quan điểm chính trị của từng người là ủng hộ phe Dân chủ hay Cộng hòa.

68% số người ủng hộ ứng cử viên Joe Biden cho biết họ "cực kỳ" hoặc "rất" lo ngại về việc nước ngoài có thể gây ảnh hưởng đến cách người Mỹ nhìn nhận về các ứng cử viên. Trong số những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thì lại chỉ có 30% cho biết họ "cực kỳ" hoặc "rất" lo ngại và 29% bày tỏ "phần nào" lo ngại trước sự can thiệp bầu cử từ nước ngoài.

Những cảnh báo từ giới chuyên gia công nghệ và an ninh

Trước đó hồi tháng 9, hãng công nghệ Microsoft đã công bố một báo cáo cho thấy bằng chứng về việc một số nhóm tin tặc nước ngoài nhắm vào các nhóm chính trị của Mỹ, bao gồm các chiến dịch tranh cử của cả hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden. Microsoft cho biết: "Những gì chúng tôi đã thấy hoàn toàn giống với những hình thức tấn công trước đây, không chỉ nhắm vào các ứng viên, chiến dịch tranh cử mà cả những người được họ tham khảo ý kiến về các vấn đề chính".

Các quan chức an ninh mạng hàng đầu của Mỹ sau đó thừa nhận rằng Microsoft đã phát hiện nỗ lực xâm nhập tài khoản thư điện tử của một số người và tổ chức có liên quan đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy hệ thống bầu cử bị ảnh hưởng. 

Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông CNN, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ Chris Krebs cho biết: "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không ai tham gia được vào việc duy trì hoặc vận hành cơ sở hạ tầng bỏ phiếu và không có tác động nào được xác định đối với các hệ thống bầu cử".

Theo công ty giải pháp bảo mật Specops Software, nước Mỹ đang phải đối mặt với số cuộc tấn công mạng thù địch nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với 156 vụ được đánh giá là nghiêm trọng trong giai đoạn từ tháng 5/2006 - 6/2020. Công ty này cũng cho biết số vụ tấn công đang ngày càng tăng lên trong khi tội phạm mạng cũng đã được dự báo sẽ gây tổn thất 6000 tỷ USD/năm cho kinh tế toàn cầu vào năm 2021.

Hồi tháng Tám, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cũng đã đưa ra một phân tích cảnh báo rằng một số nước đang tích cực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Trong quá khứ, giới chức Mỹ từng đưa ra cáo buộc Nga vào năm 2016 tiến hành chiến dịch đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội, mục tiêu nhắm vào cơ sở hạ tầng bầu cử ở 50 bang và đã tấn công vào hệ thống mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Nguy cơ từ các vụ tấn công ransomware

Tuy nhiên, các nhóm tin tặc từ nước ngoài không phải mối đe dọa duy nhất mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phải đối mặt.

Kể từ mùa thu năm ngoái, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cảnh báo rằng các hệ thống đăng ký cử tri và chính quyền các quận đang phải đối mặt với nguy cơ lớn từ các cuộc tấn công mã độc đòi tiền chuộc, phần mềm mà tin tặc sử dụng để khóa hệ thống và yêu cầu trả tiền chuộc để đổi lấy chìa khóa. Các băng nhóm tội phạm thường xuyên nhắm vào các lỗ hổng trong hệ thống mạng của chính quyền tại Mỹ. Tạp chí Forbes nhận định các cuộc tấn công mã độc đòi tiền chuộc (ransomware) là một trong những mối đe dọa an ninh mạng lớn, có thể dễ dàng làm gián đoạn cuộc bầu cử năm nay. Tin tặc có thể sử dụng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ nhằm cắt đứt những kết nối quan trọng ngay khi nhu cầu sử dụng đang ở mức cao nhất, đe dọa hệ thống bỏ phiếu điện tử.

Tấn công mạng - Nguy cơ thực sự đe dọa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

Các cơ quan bầu cử Mỹ là mục tiêu của những nhóm tội phạm mạng (Nguồn: CNN)

Nguy cơ này càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh các cơ quan bầu cử tại Mỹ phải đối phó với áp lực lớn về mặt kinh tế. Theo đài NBC, ngân sách an ninh mạng của các cơ quan chính quyền ở Mỹ đã bị ảnh hưởng đáng kể do tác động từ đại dịch COVID-19. Nhiều khả năng ngân sách bổ sung của liên bang sẽ không thể được chuyển đến các bang trước tháng Mười Một. Mặc dù vẫn có một số nguồn lực dành cho công tác bảo mật bầu cử từ Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA), con số này nhiều khả năng sẽ không thể đáp ứng đủ yêu cầu thực tế.

Những nỗ lực nhằm bảo vệ cuộc bầu cử Mỹ

Cùng với cảnh báo về nguy cơ can thiệp bầu cử từ nước ngoài, hãng công nghệ Microsoft cho biết đang thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ những khách hàng có liên quan đến hoạt động bầu cử, chính phủ và hoạch định chính sách. Hãng công nghệ Mỹ cũng khuyến cáo chính phủ liên bang cần có thêm nguồn tài trợ để các bang có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng bầu cử tốt hơn. Các cơ quan bầu cử cấp bang và địa phương tại Mỹ cũng được kêu gọi cần tăng cường hoạt động và chuẩn bị ứng phó với những cuộc tấn công có thể xảy ra trong thời gian bầu cử.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho an ninh mạng vẫn chưa được giải quyết đầy đủ, những động thái của các doanh nghiệp tư nhân như Microsoft đã nhận được sự chào đón từ giới chức an ninh Mỹ. Một quan chức giấu tên của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cho biết: "Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn xã hội nhằm bảo vệ cuộc bầu cử và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ của họ và sẽ tiếp tục hợp tác với họ để chống lại các nỗ lực của nước ngoài nhắm vào các ứng viên chính trị, các chiến dịch tranh cử và những đối tượng liên quan đến cuộc bầu cử Tổng tống Mỹ".

Tấn công mạng - Nguy cơ thực sự đe dọa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 3.

Các sáng kiến như Election Cyber Surge được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính bảo mật cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (Nguồn: Forbes)

Tại đại học Chicago, một sáng kiến với tên gọi Election Cyber Surge đã được triển khai, nhằm thúc đẩy công tác an ninh mạng cho cuộc bầu cử. Sáng kiến này sẽ thiết lập một đường dây liên lạc giữa các quan chức phụ trách bầu cử của bang, địa phương và một đội quân các hacker tình nguyện, các chuyên gia bảo mật và an ninh mạng nhằm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh. Các quan chức có thể chọn một lĩnh vực cần quan tâm, sau đó lựa chọn từ danh sách các chuyên gia sẵn sàng tư vấn qua điện thoại hoặc trò chuyện qua video.

Bà Maya Worman, cựu chiến lược gia về an ninh mạng của chính phủ Mỹ và là người đứng đầu dự án cho biết: "Nhu cầu là rất rõ ràng và những sự trợ giúp vẫn luôn tồn tại". Theo bà, chương trình đã được bắt đầu với sự tham gia của khoảng 50 hacker tình nguyện, những người đã được kiểm tra và hầu hết đều có ít nhất 10 năm kinh nghiệm. Danh sách này hiện vẫn đang được mở rộng thêm với các tình nguyện viên mới và có thể tăng quy mô gấp đôi.

Bà Elizabeth Howard, cố vấn cấp cao cho chương trình Dân chủ tại Trung tâm Công lý Brennan - một tổ chức tư vấn của đại học New York, coi những sáng kiến như Election Cyber Surge là "điều vô cùng cần thiết". "Các quan chức bầu cử ở các khu vực cấp bang đều có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của tội phạm mạng, các quốc gia thù địch và tác nhân xấu khác. Thật không may, một số khu vực thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các biện pháp an ninh mạng mạnh mẽ. Đối với các khu vực bầu cử nhỏ, nơi chỉ có một hoặc hai nhân viên, mối lo ngại càng trở nên lớn hơn".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi có được sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên, giới chức Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Javvad Malik, chuyên gia về bảo mật tại công ty an ninh mạng KnowBe4, cho rằng: "Nếu các tình nguyện viên phát hiện ra vấn đề, một câu hỏi được đặt ra là liệu có đủ nguồn lực được phân bổ để có thể giải quyết những vấn đề đó, đưa ra các bản vá lỗi và xác nhận tính hiệu quả hay không?".

Trong khi vẫn đánh giá cao các sáng kiến như Election Cyber Surge, chuyên gia này cảnh báo "vẫn còn rất nhiều công việc khác cần phải được thực hiện như một phần của chiến lược an ninh mạng tổng thể và hiệu quả".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước