Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế

Biên tập: Việt Linh (Nguồn: CNN, BBC, CNBC, FT)-Thứ tư, ngày 26/10/2022 09:22 GMT+7

Vua Charles III bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm thủ tướng Anh trong buổi yết kiến tại Điện Buckingham (Nguồn: CNN)

VTV.vn - Chỉ hơn một tháng sau khi lên ngôi, vua Anh Charles III đã bổ nhiệm thủ tướng đầu tiên, đó là ông Rishi Sunak, với kỳ vọng đưa nước Anh vượt qua các thách thức hiện nay

Rishi Sunak - Vị Thủ tướng với nhiều "lần đầu tiên" và nhiều "cái nhất"

Sau khi chính thức được vua Charles III bổ nhiệm, ông Rishi Sunak đã trở thành vị Thủ tướng da màu đầu tiên trong lịch sử nước Anh. Ông cũng là Thủ tướng đầu tiên người gốc Ấn Độ và theo đạo Hindu, sinh trưởng trong một gia đình nhập cư. 

Trong một bài phỏng vấn năm 2015, ông Sunak đã tỏ ra rất tự hào về nguồn gốc của mình: "Nước Anh là nhà và quê hương của tôi, nhưng tôi được thừa hưởng các di sản văn hóa và tín ngưỡng từ Ấn Độ. Vợ tôi cũng là người Ấn và tôi luôn cởi mở rằng mình là tín đồ Hindu".

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng gốc Ấn Độ, theo đạo Hindu đầu tiên của Anh (Nguồn: The Guardian)

Chính thức nắm quyền ở tuổi 42, ông Sunak cũng đã vượt qua cựu Thủ tướng David Cameron để trở thành "ông chủ" của nhà số 10 phố Downing trẻ tuổi nhất trong hơn 200 năm qua. Ông cũng được xem là vị thủ tướng đầu tiên thuộc thế hệ Millenials (thường chỉ những người sinh ra trong thập niên 1980 và đầu những năm 1990). Điều này cũng phần nào giải thích cho việc ông khá am hiểu về truyền thông xã hội, và được biết đến là người yêu thích các thiết bị công nghệ mới.

Thủ tướng Rishi Sunak cũng là người đã có "bước nhảy" nhanh nhất lên chức Thủ tướng trong vòng gần 60 năm qua. Trở thanh nghị sĩ thuộc Hạ viện Anh trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2015, ông chỉ cần 7 năm để lần lượt vươn tới các vị trí cao trong chính phủ Anh, như Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Tài chính, và giờ là Thủ tướng.

Đáng chú ý hơn nữa khi ông Rishi Sunak có thể được xem là vị Thủ tướng đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất nước Anh hiện nay. Dù chưa bao giờ công khai tải sản của mình, nhưng theo bảng xếp hạng của tờ Sunday Times, ông Sunak cũng vợ hiện sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 730 triệu Bảng Anh (khoảng 837 triệu USD).

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 2.

Ông Sunak và vợ nằm trong danh sách những người giàu nhất nước Anh (Nguồn: BBC)

Trước khi bước chân vào chính trường, ông Rishi Sunak đã gây dựng tài sản của mình nhờ lĩnh vực tài chính, làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs và sau đó quản lý một số quỹ đầu tư. Vợ ông, bà Akshata Murthy là con gái của của một tỷ phú Ấn Độ, nhà sáng lập hãng phần mềm hàng đầu thế giới Infosys.

Với xuất thân đặc biệt của mình, ông Rishi Sunak đã nhận được nhiều phản ứng khá tích cực khi trở thành Thủ tướng Anh. Tại quê gốc của ông là Ấn Độ, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã gọi ông Sunak là "cầu nối" của những người gốc Ấn ở Anh, và bày tỏ hi vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm "đưa mối quan hệ lịch sử của đôi bên thành quan hệ đối tác hiện đại".

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 3.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh (Nguồn: India Times)

Còn tại Mỹ, phát biểu trong một sự kiện nhằm kỷ niệm lễ hội Ánh sáng Diwali của cộng đồng người Hindu, Tổng thống Joe Biden cũng đã gọi việc sự kiện ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng là "một cột mốc đột phá" trong việc thúc đẩy đa dạng sắc tộc.

Lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đồng loạt gửi lời chúc mừng đến tân Thủ tướng Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ tiếp tục tôn trọng các thỏa thuận và duy trì hợp tác với chính phủ mới của Anh trong nhiều vấn đề như Brexit, tình hình Ukraine và cơn sốt năng lượng: "Chúng tôi tin tưởng vào mối quan hệ bền chặt với Anh để bảo vệ các giá trị chung, tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận giữ chúng ta".

Những thách thức với tân Thủ tướng Anh trong công cuộc chèo lái nền kinh tế

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi thất bại trước bà Liz Truss trong cuộc bầu cử chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ lần trước. Trong chiến dịch tranh cử hồi mùa hè, ông đã liên tục chỉ trích các cam kết cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ của bà Truss, gọi đây là một "câu chuyện cổ tích" trong bối cảnh kinh tế Anh đang gặp nhiều sóng gió.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 4.

Ông Rishi Sunak từng cảnh báo nguy cơ từ các chính sách kinh tế của bà Liz Truss (Nguồn: The Guardian)

Đây được xem là một phần lý do khiến ông Sunak không thu hút được nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên, và để thua bà Liz Truss trong vòng bỏ phiếu quyết định. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày bà Truss lên nắm quyền, những tiên đoán của ông đã trở thành thực tế: Kế hoạch "Ngân sách nhỏ" do bà Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwateng đưa ra đã lập tức gây lo lắng cho thị trường, kéo đồng Bảng Anh lao dốc và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải can thiệp để ổn định tình hình và ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng.

Những diễn biến này được cho là đã có ảnh hưởng lớn giúp ông Sunak dành được sự ủng hộ lớn để trở thành ứng cử viên hàng đầu thay thế bà Liz Truss, với mục tiêu mang đến sự ổn định. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson – một trong các nghị sĩ ủng hộ ông Sunak đánh giá: "Ông ấy có tài năng, sự chính trực và sự khiêm tốn cần thiết để mang lại cho chúng tôi một khởi đầu mới"

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 5.

Thủ tướng Rishi Sunak phát biểu lần đầu sau khi nhậm chức (Nguồn: CNN)

Trong bài phát biểu sau khi chính thức nhậm chức, vị tân Thủ tướng đã bày tỏ sự trân trọng với tham vọng của người tiền nhiệm, nhưng thừa nhận kế hoạch của bà Truss đã mắc phải một số sai lầm: "Tôi được lựa chọn vào vị trí thủ lĩnh đảng và Thủ tướng một phần là để sửa chữa những sai lầm này. Tôi hiểu rằng mình có rất nhiều việc phải làm để khôi phục lòng tin sau những gì đã diễn ra, và tôi sẽ luôn kiên trì thực hiện các nhiệm vụ của mình".

Nhiều chuyên gia dự báo, ông Sunak sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện những cam kết mà ông đưa ra từ khi tranh cử hồi giữa năm nay, đó là cắt giảm chi tiêu công nhằm bù đắp khoản thâm hụt ngân sách 40 tỷ Bảng (khoảng 45 tỷ USD), như ông tuyên bố sẽ "không để các thế hệ tương lai phải chịu gánh nặng nợ nần".

Thủ tướng Sunak cũng thừa nhận "sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn" nhằm ổn định nền kinh tế và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, sau các sóng gió dưới thời người tiền nhiệm. Ông Sunak cũng từng cam kết trước đó rằng lạm phát sẽ là một trong các ưu tiên hàng đầu khi lên nắm quyền, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của xứ sương mù đang ở mức cao kỷ lục.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những thách thức nhằm vực dậy nền kinh tế - Ảnh 6.

Đảng Bảo thủ của ông Sunak đang chao đảo sau khi hai Thủ tướng liên tiếp từ chức (Nguồn: Express.co.uk)

Thông điệp "khôi phục lòng tin" của Thủ tướng Sunak cũng nhằm hướng tới đảng Bảo thủ cầm quyền. Hiện đảng này đang chao đảo sau hai lần liên tiếp bầu chọn lãnh đạo mới, cũng như bị chia rẽ về nhiều vấn đề như quan hệ với EU hậu Brexit hay việc quản lý nhập cư. Thủ tướng Sunak được chờ đợi sẽ tìm ra hướng đi cho các vấn đề gây tranh cãi nói trên.

Trên lý thuyết, ông Sunak sẽ có hơn 2 năm cho đến kỳ bầu cử sắp tới (năm 2025) để giải quyết các thách thức hiện nay. Nhiều người ủng hộ kỳ vọng, với bảng "thành tích" thúc đẩy phục hồi kinh tế và an sinh xã hội trong đại dịch COVID-19, ông Sunak cũng sẽ có những quyết sách hợp lý tương tự. "Ông Sunak là một người có nhiều kinh nghiệm toàn cầu và am hiểu về nền kinh tế, bởi vậy mà cộng đồng quốc tế đánh giá cao khả năng ông ấy có thể ổn định tình hình kinh tế và chính của Anh trong thời gian tới"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước