Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Châu Á là điểm sáng

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 02/04/2023 12:33 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám, tăng trưởng của châu Á trở thành hy vọng, điểm sáng của kinh tế thế giới.

Phản đối tăng tuổi nghỉ hưu tại Pháp

Gần 1,1 triệu người tham gia các cuộc tuần hành ở Pháp ngày vào 23/3 để phản đối chương trình cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, công đoàn và các lực lượng cánh tả Pháp cho biết có thể đã có tới 3,5 triệu người đã xuống đường vào thời điểm này.

Cuộc tuần hành này tiếp tục kéo dài dai dẳng đến cuối tuần, khiến nhiều hoạt động bị đình trệ. Như vậy, nếu tính từ giữa tháng 1 đến nay, 10 cuộc tuần hành phản đối lớn đã nổ ra.

Nội bộ nước Pháp cũng còn nhiều bất đồng xung quanh quan điểm chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất, đến năm 2030 sẽ nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu.

Liên hiệp các nghiệp đoàn Pháp chống cải cách hưu trí hôm 31/3 đã chấp nhận lời mời đối thoại của thủ tướng Elizabeth Borne vào ngày 5/4 tới.

Áp lực tăng giá lương thực trên thế giới

Người dân, nhất là những người dân nghèo, hơn ai hết hiểu rõ tăng giá lương thực "phi mã" trong tuần vừa qua. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, nhiều nước thậm chí có mức lạm phát lương thực hàng năm lên tới 3 con số, như Zimbabwe 285%, Venezuela 158%, hay Lebanon 143%. Trong nhóm các quốc gia phát triển, các nước EU đang chịu tác động lớn nhất của lạm phát lương thực thực phẩm.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Châu Á là điểm sáng - Ảnh 1.

Những người dân nghèo hơn ai hết là những người hiểu rõ tăng giá lương thực "phi mã" (Ảnh: AP)

Anh Amir Abu Saleh - Tiểu thương tại chợ Belleville, Paris, Pháp - chia sẻ: "Khách hàng bảo tôi là họ cảm thấy như bị mất cắp tiền mỗi khi đi chợ. Một món đồ trước kia chỉ tầm 1 Euro hoặc hơn 1 Euro thì nay lại thành 3 Euro. Đương nhiên là người ta sẽ thấy xót xa cho ví tiền của họ rồi".

Bà Titin tại Jakarta, Indonesia cho biết: "Trước đây, tôi đi chợ mua thức ăn cho hai ngày, giờ thì tôi chỉ lo bữa ăn từng ngày. Giá thịt gà và mọi loại thực phẩm đều tăng. Tôi mong sao mọi thứ có thể trở lại bình thường, giá cả bây giờ đã tăng gấp 3 lần rồi".

Châu Á kỳ vọng tăng trưởng tích cực

4,5 % là dự báo mức tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay, tăng so với mức 4,2% của năm trước đó. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám, tăng trưởng của châu Á trở thành hy vọng, điểm sáng của kinh tế thế giới. Đây là những nhận định cũng như quyết tâm của các quốc gia đang tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao từ ngày 28 đến 31/3 tại thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Đây là diễn đàn được tổ chức trực tiếp đầu tiên sau đại dịch COVID-19, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ 50 quốc gia và khu vực, gồm các quan chức cấp cao của chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả... Những triển vọng, thách thức mà kinh tế toàn cầu và kinh tế châu Á đang đối diện, cùng với vai trò của kinh tế Trung Quốc như cam kết đưa ra tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao này, được coi là mỏ neo cho hòa bình và phát triển toàn cầu.

Trung Quốc ổn định và nỗ lực phát triển sẽ là trụ cột cho kinh tế toàn cầu trong thời kỳ bất ổn. Đó là khẳng định của Thủ tướng Lý Cường, người đứng đầu mới của chính phủ Trung Quốc tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao tuần qua. Cùng với đó là cam kết mở cửa, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, kêu gọi tăng cường hợp tác để nâng cao vai trò của khu vực châu Á. Liên tiếp các động thái tăng cường vị thế kinh tế của Trung Quốc khi mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng các nỗ lực cải tổ mạnh mẽ ngành công nghệ. Một tầm nhìn về vị thế, vai trò mỏ neo của nền kinh tế Trung Quốc, trong một giai đoạn nhiều khó khăn chung với kinh tế thế giới.

Trung Quốc nhấn mạnh cải cách và mở cửa thị trường

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau dịch COVID-19 đang ngày một quay trở lại mạnh mẽ và khẳng định, củng cố vai trò, vị thế của mình. Ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, rất nhiều câu hỏi đã đặt ra về đóng góp của nền kinh tế này vào bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu năm nay, một năm không ít khó khăn thách thức đã được dự báo.

Và như Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tự tin khẳng định, Trung Quốc kỳ vọng sẽ là mỏ neo cho hòa bình và phát triển trên toàn cầu. Diễn đàn kinh tế Bác Ngao - một sự kiện thường niên được Trung Quốc nỗ lực tổ chức như một diễn đàn kinh tế Davos ở châu Á đã bị gián đoạn trong các năm bị đại dịch COVID-19 - nay đã trở lại, cùng một loạt diễn biến kinh tế nổi bật gần đây, như lời khẳng định của Trung Quốc về vai trò, vị thế và tầm nhìn của mình về không chỉ về kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác trong giai đoạn mở cửa sau dịch.

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam, ngày 30/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết, trong tháng 3, tình hình kinh tế của Trung Quốc đã cải thiện so với hai tháng đầu năm và nước này sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước cũng như củng cố đà phục hồi kinh tế. Ông Lý Cường khẳng định, bất kể tình hình thế giới đang phát triển như thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ cam kết cải cách và mở cửa.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Châu Á là điểm sáng - Ảnh 2.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Ảnh: THX)

"Chúng tôi sẽ kết hợp chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước với việc đổi mới cơ cấu cung ứng để làm cho thị trường Trung Quốc ngày càng lớn hơn. Chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp mới để tăng cường khả năng thâm nhập thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo thực hiện các dự án. Chúng tôi sẽ tạo ra một môi trường thể chế tốt hơn cho các doanh nghiệp nhà nước có thể tiên phong, các công ty tư nhân có thể mở rộng thị trường và các công ty nước ngoài có thể đầu tư mới" - Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh.

Hội nghị Bác Ngao kéo dài 4 ngày là dịp Bắc Kinh tung ra một kế hoạch tổng thể nhằm "quyến rũ" doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời củng cố các nỗ lực ngoại giao.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ định năm 2023 là "Năm đầu tư vào Trung Quốc", với một loạt sự kiện quảng cáo được lên kế hoạch để thu hút đầu tư. Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại cho biết, Trung Quốc hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tại quốc gia châu Á này.

Theo ông Lý Cường, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và các doanh nghiệp nước ngoài vẫn thận trọng khi kinh doanh tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, nước này không còn là một trong ba ưu tiên đầu tư của các công ty Mỹ.

Theo cuộc khảo sát, gần một nửa số công ty Mỹ đang hoạt động không có kế hoạch đầu tư mới. Trong khi gần đây, các công ty Mỹ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn về mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai nước.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Châu Á là điểm sáng - Ảnh 3.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết: "Sự cạnh tranh để dẫn đầu trong công nghệ chip có thể có hướng tích cực hoặc tiêu cực. Một mặt, chúng ta cần nhận ra rằng các quốc gia luôn tìm cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và cố gắng giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh. Mặt khác, chúng ta cần thiết lập một số biện pháp để đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến phân cấp trong thế giới công nghệ, điều đó chỉ làm tăng chi phí và cản trở tiến bộ. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng cạnh tranh công nghệ nên là một trong những chủ đề chính được bàn thảo ở cấp cao nhất, ngang hàng với các cuộc thảo luận về an ninh và các vấn đề kinh tế chung. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng cạnh tranh không nên bị ràng buộc mà phải nhường chỗ cho sự hợp tác nhiệt tình".

Sự kiện Bác Ngao diễn ra sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào đầu tuần này tại Bắc Kinh, với sự tham gia của các giám đốc điều hành toàn cầu như Tim Cook của Apple và Bill Winters của Standard Chartered. Trong một cuộc họp tuần này, Thủ tướng Lý Cường đã kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài có cái nhìn dài hạn giữa những thách thức kinh tế.

Động lực tăng trưởng toàn cầu

Khu vực châu Á, nhất là Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục được các định chế tài chính toàn cầu đánh giá là động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng thế giới dự báo, tăng trưởng của khu vực này trong năm 2023 ở mức 5,1% từ mức 3,5% của năm ngoái với động lực quan trọng từ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo mới nhất về kinh tế châu Á nhận định, các nền kinh tế mới nổi châu Á đã cho thấy khả năng phục hồi trong một môi trường toàn cầu bất ổn. Các nền kinh tế của khu vực gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ đã cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng GDP trung bình của các nước châu Á mới nổi dự kiến sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2023 và 5,4% vào năm 2024.

Ông Ahmed Saeed - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho biết: "Chúng ta thấy châu Á sẽ tiếp tục phát triển tốt, ít nhất là trong tương lai gần. Chúng tôi đã ước tính mức tăng trưởng 4,6% cho năm nay trong báo cáo triển vọng hàng năm gần đây nhất. Chúng tôi sẽ có báo cáo triển vọng mới trong vòng chưa đầy một tuần nữa và tôi hy vọng rằng con số đó sẽ tăng lên".

Ông Christian Mumenthaler - Giám đốc điều hành Tập đoàn Swiss Re Group - nhận định: "Hoạt động kinh tế ở khắp mọi nơi đang bùng nổ và so với các quốc gia khác sau COVID-19, sự phục hồi ở Trung Quốc nhanh hơn do mức tiêu thụ, tiêu dùng lớn... Nếu chúng ta giải quyết một số vấn đề lớn hơn trên toàn thế giới với đối thoại và đồng thuận nhiều hơn, chúng ta sẽ có cơ hội tốt cho răng trưởng".

Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt với những thách thức từ quá trình phi toàn cầu hóa, các xung đột, canh tranh địa chính trị cho tới các rủi ro về tài chính, ngân hàng hay các tác động từ già hóa dân số. Các thách thức này đòi hỏi các nước phải tiếp tục nâng cao cảnh giác và có hành động ứng phó phù hợp.

Ông Axel Van Trotsenburg - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) - cho rằng: "Những điều không chắc chắn này có thể là cách các quốc gia chống lại lạm phát hay gần đây là những xáo trộn trên thị trường tài chính. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến các quốc gia và triển vọng toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ tiếp tục là thách thức lớn".

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho biết: "Sự không chắc chắn đặc biệt cao, bao gồm cả những điều không chắc chắn do rủi ro của sự phân mảnh địa - kinh tế, điều có thể có nghĩa là một thế giới bị chia cắt thành các khối kinh tế cạnh tranh, một sự phân chia nguy hiểm sẽ khiến mọi người nghèo hơn và kém an toàn hơn".

Các chuyên gia kêu gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tiếp tục thực hiện các cải cách về cơ cấu, tài chính vĩ mô, các giải pháp ứng phó về biến đổi khí hậu để giải quyết bài toán về tăng trưởng năng suất chậm lại và những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước