Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 16/05/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy tỷ lệ sinh vốn đang sụt giảm tại nước này.

Trung Quốc sẽ khởi động các dự án thí điểm tại hơn 20 thành phố nhằm tạo ra văn hóa hôn nhân và sinh con "thời đại mới" nhằm thúc đẩy môi trường sinh và nuôi dạy con thân thiện hơn.

Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, cơ quan thực hiện các biện pháp dân số và sinh sản của chính phủ sẽ khởi động các dự án để khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con. Trọng tâm của các dự án là thúc đẩy kết hôn, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, hạn chế việc đòi sính lễ cao và các hủ tục lạc hậu khác.

Những nơi được đưa vào chương trình thí điểm có thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông và thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc. Trước đó, vào năm ngoái, dự án đã được khởi động tại 20 thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh.

Các dự án được đưa ra trong bối cảnh các địa phương của Trung Quốc đang triển khai một loạt biện pháp để khuyến khích người dân sinh con, bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và miễn phí hoặc trợ cấp giáo dục khi sinh con thứ ba.

Cũng do lo ngại về sự sụt giảm dân số và tình trạng già hóa nhanh chóng, các cố vấn của Chính phủ Trung Quốc vào tháng ba vừa qua đã đề xuất rằng, phụ nữ độc thân và chưa kết hôn nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng và thụ tinh trong ống nghiệm, cùng với các dịch vụ khác để tăng tỷ lệ sinh tại nước này.

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh - Ảnh 1.

Theo một cuộc khảo sát mới đây, Trung Quốc đang trải qua những thay đổi kép về dân số và gia đình. Tỷ lệ sinh thấp và xu hướng gia đình thu nhỏ ngày càng rõ rệt, trong đó tỷ lệ phụ nữ không sinh con tăng nhanh, từ 6% năm 2015 lên 10% năm 2020. Độ tuổi lập gia đình lần đầu của dân số trong độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc cũng liên tục tăng cao, trung bình ở nữ đã tăng từ 22 tuổi những năm 1980 lên 26,3 tuổi vào năm 2020. Độ tuổi sinh con đầu lòng là 27,2 tuổi.

Trong khi đó, mức độ sẵn sàng sinh con của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lại liên tục giảm. Số con trung bình mà phụ nữ Trung Quốc dự định sinh là 1,64 vào năm 2021, thấp hơn so với mức 1,76 của năm 2017 và 1,73 của năm 2019. Con số này tiếp tục giảm đối với thế hệ 9X và 10X.

Khủng hoảng lương hưu vì già hóa dân số

Khi giới trẻ - những người trong độ tuổi sinh sản - không chịu kết hôn và sinh sản tất nhiên sẽ kéo theo tốc độ già hóa dân số tăng mạnh. Ước tính, Trung Quốc sẽ có hơn 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2035, chiếm 30% dân số. Con số này đặt ra những thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe người già và ngân sách dành cho lương hưu.

Bà Vương Phượng Cầm, 70 tuổi, sinh sống tại tỉnh Hắc Long Giang vẫn đang phải lao động mỗi ngày ở cái tuổi lẽ ra đã phải được nghỉ ngơi. Thậm chí, bà và chồng đều từ chối điều trị bệnh tiểu đường tại bệnh viện do lo ngại về chi phí, bởi lẽ mỗi tháng hai vợ chồng bà phải để dành 5.000 NDT (730 USD) để chu cấp cho hai đứa con trai.

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh - Ảnh 2.

"Tôi vẫn đang phải giúp đỡ và hỗ trợ tài chính cho con trai của mình. Vì sao ư? Mọi người nói tôi may mắn khi có hai người con trai, nhưng khi chúng không kiếm đủ tiền thì chúng tôi phải giúp chúng", bà Vương Phượng Cầm nói.

Hắc Long Giang là một dấu hiệu cảnh báo ‘quả bom’ nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Với dân số 1,4 tỷ người lần đầu tiên giảm sau 6 thập kỷ, bước ngoặt lịch sử đang đặt ra những thách thức về tài chính và kinh tế cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bà Vương Phượng Cầm cho rằng: "Không có tiền làm sao nuôi con được. Bạn phải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, điều đó có nghĩa là việc sinh con thứ hai là cả một vấn đề. Việc nuôi dạy một đứa trẻ, từ việc ăn đến việc học, chi phí sẽ rất lớn".

Trong khi đó, ông Vương Chiến Linh, 71 tuổi, hiện đang phải làm việc 10 giờ mỗi ngày, mặc dù đã về hưu. Với mức lương hưu khoảng 100 NDT mỗi tháng, ông Wang buộc phải làm thêm những công việc lặt vặt khác để kiếm thêm thu nhập.

Hắc Long Giang nhiều thập kỷ qua đã chứng kiến tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số cao. Từng là trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, Hắc Long Giang giờ không nằm ngoài xu thế chung là các nhà máy chuyển xuống phía Nam, phần lớn người dân trong độ tuổi lao động cũng di chuyển theo.

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh - Ảnh 3.

Lực lượng lao động bị thu hẹp dẫn đến ngân sách đóng góp cho lương hưu của địa phương cũng giảm theo, trong khi số người già cần hỗ trợ lại tăng. Hiện nay, Hắc Long Giang có mức thâm hụt lương hưu lớn nhất trong tất cả 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh, ở mức khoảng 2,4% GDP. Đây cũng là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và lương hưu trung bình cũng ở mức thấp nhất.

Các chuyên gia dự đoán với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, quỹ hưu trí nhà nước của Trung Quốc có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2035.

Ông Stuart Gietel Basten - Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc): "Sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, đặc biệt là trong việc cải cách hệ thống lương hưu. Không chỉ là hệ thống lương hưu mà cụ thể là tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu".

Với 11 tỉnh của Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách lương hưu, các nhà phân tích cho rằng ngày càng nhiều người già chắc chắn sẽ bị đẩy trở lại lực lượng lao động, ngay cả khi chính phủ không chính thức kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Khủng hoảng lương hưu chỉ là một trong số những hệ lụy mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt do suy giảm dân số. Xu hướng này có thể gây ra nhiều tác động phức hợp tới nền kinh tế nước này và cả vị thế là công xưởng của thế giới. Đó là lực lượng lao động giảm, kéo theo thị trường tiêu dùng co lại, làm chậm nền kinh tế, nợ chính phủ tăng do chi phí phúc lợi và y tế tăng vọt… Các nhà nhân khẩu học đã từng cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể già trước khi giàu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước