Tòa án tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ra phán quyết đến cuối tháng 1/2024 tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc phải đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nhằm tránh bị thanh lý.
Như vậy, tập đoàn bất động sản đang nợ nần chồng chất này có thêm 1 tháng để lên kế hoạch tránh nguy cơ bị phát mại.
Trong phiên tòa vào ngày 4/12, thẩm phán cũng đề nghị các luật sư của Evergrande tăng cường thảo luận trực tiếp với các cơ quan hữu quan để xác nhận kế hoạch tái cơ cấu nợ của tập đoàn này là khả thi.
Về phần mình, luật sư của Evergrande cho biết, tập đoàn này đã tiến hành điều chỉnh đề xuất đối với các chủ nợ kể từ phiên điều trần vào tháng 10/2023.
Trong phiên điều trần vào tháng 10, Evergrande cũng đã được gia hạn đến ngày 4/12 để trình bày đề xuất tái cơ cấu nợ với các chủ nợ nước ngoài, trước khi tòa chỉ định đơn vị thanh lý độc lập từ công ty kiểm toán KPMG.
Nếu tòa án ở Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh phát mại Evergrande, đơn vị thanh lý độc lập sẽ được chỉ định nắm quyền kiểm soát và thu xếp bán các tài sản của Evergrande để trả nợ, bao gồm không chỉ cổ phiếu của hai công ty trực thuộc ở Hong Kong (Trung Quốc) mà còn bán cả các tài sản của công ty này ở Trung Quốc đại lục.
Evergrande city plaza tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: EPA)
Evergrande vỡ nợ năm 2021 với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Năm 2023, các chủ nợ đã nộp đơn kiện Evergrande tại Hong Kong (Trung Quốc), nhưng vụ việc kéo dài trong khi các bên cố gắng đạt thỏa thuận. Đến cuối tháng 6/2023, ước tính khoản nợ của Evergrande lên tới 328 tỷ USD.
Khoản nợ khổng lồ của Evergrande đã góp phần khiến cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản ở Trung Quốc ngày càng sâu sắc, làm dấy lên những lo ngại về sự lan rộng toàn cầu.
Lĩnh vực bất động sản cùng với xây dựng chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Trung Quốc, là trụ cột chính cho tăng trưởng của đất nước và đã trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ của những công ty lớn nhất trong ngành (Evergrande ước tính nợ 328 tỷ USD vào cuối tháng 6/2023) đã bị Bắc Kinh coi là rủi ro không thể chấp nhận được đối với hệ thống tài chính và sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc nói chung trong những năm gần đây.
Các cơ quan chức năng đã dần dần thắt chặt khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển bất động sản kể từ năm 2020 và kéo theo một làn sóng vỡ nợ, đặc biệt là trường hợp của Evergrande.
Trong khi đó, một "gã khổng lồ" bất động sản khác của Trung Quốc là Country Garden đã tránh được tình trạng vỡ nợ trong gang tấc trong những tháng gần đây, sau khi báo cáo khoản lỗ kỷ lục và khoản nợ hơn 150 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!