Giảm nhựa trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một chiến dịch ở phạm vi toàn cầu và là nỗ lực của nhiều chính phủ. Bắt đầu từ các chuỗi nhà hàng, quán cà phê với cam kết cắt giảm và thay thế nhựa sử dụng một lần bằng loại chất liệu khác thân thiện với môi trường. Thế nhưng, chỉ cần một buổi đi siêu thị cũng có thể thấy nhựa sử dụng một lần vẫn được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày như tuýp thuốc đánh răng, chai dầu gội đầu, hộp đựng kem, hộp sữa chua…
Mới đây, một trong những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới vừa tuyên bố muốn tiến thêm một bước nữa trong chiến dịch thay thế và giảm nhựa. Theo Guardian, chỉ riêng tập đoàn này mỗi năm đang dùng đến 700.000 tấn nhựa. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm được 100.000 tấn.
Theo Financial times, việc dùng bao nhiêu nhựa trong đóng gói hiện không phải là con số các tập đoàn bị yêu cầu bắt buộc phải công khai. Với những tập đoàn tự nguyện công bố số liệu, Coca Cola đang đứng đầu về mức độ dùng nhựa, với 3 triệu tấn mỗi năm; Nestle 1,7 triệu tấn; Unilever với 700.000 tấn.
Các tập đoàn này nằm trong số 200 nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà sản xuất bao bì và nhà bán lẻ cam kết tự nguyện tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn đối với nhựa, quay vòng tái chế sử dụng nhựa, giảm nhựa dùng một lần rồi thải ra môi trường. Mô hình này bắt đầu từ năm 2018, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn công khai số liệu dùng nhựa của mình và có nỗ lực thay thế.
Cũng theo Financial times, nhựa dùng trong đóng gói bao bì đang chiếm lượng nhiều nhất trong tổng số nhựa sử dụng một lần. Các nhà vận động vì môi trường xác định, giao dịch thương mại rác thải nhựa đang là nguyên nhân chủ yếu của 8 triệu tấn rác nhựa thải xuống biển mỗi năm. Các nước công nghiệp phát triển nhiều năm liền chuyển phần lớn khối rác nhựa của mình sang các nước đang phát triển, vốn thiếu khả năng xử lý và đến đây, bị thải ra môi trường. Do đó, vai trò tái chế và quay vòng nhựa sử dụng của các tập đoàn sản xuất sẽ là giải pháp hiệu quả nhất.
Còn theo đại diện các tập đoàn, để làm được điều này, yêu cầu sự thay đổi cơ bản và toàn diện trong tư duy tiếp cận vấn đề đóng gói sản phẩm. Từ công nghệ, tìm tòi chất liệu đóng gói bao bì mới, đến các hình thức tái sử dụng bao bì nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!