Hình ảnh mô tả tàu đổ bộ Mặt Trăng Thường Nga-6 của Trung Quốc ở phía xa của mặt trăng sau khi hạ cánh vào ngày 2/6/2024. (Ảnh: CCTV)
Sứ mệnh của Thường Nga-6 là hạ cánh xuống bên trong miệng núi lửa Apollo, trong lưu vực bồn địa Nam Cực - Aitken khổng lồ, nhằm mục đích lần đầu tiên đưa các mẫu từ vùng tối của Mặt Trăng trở về Trái đất.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu thăm dò Thường Nga-6 "đã hạ cánh thành công tại khu vực được chọn trước", vào sáng 2/6 theo giờ Bắc Kinh, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc.
Sau khi hạ cánh, tàu dự kiến sẽ tiến hành thu thập mẫu vật trong hai ngày, với hai phương pháp gồm khoan để lấy mẫu dưới lòng đất và sử dụng cánh tay robot để lấy mẫu vật trên bề mặt.
Từ các mẫu vật thu thập được, các nhà nghiên cứu sẽ thiết lập một bản sao giống hệt như khu vực lấy mẫu dựa trên kết quả thu thập được của Thường Nga-6 về môi trường, sự phân bổ đá và điều điện đất ở khu vực hạ cánh.
Tên lửa Trường Chinh-5 mang theo tàu thăm dò Thường Nga-6 được phóng tại Trung tâm vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 3/5/2024 (Ảnh: AFP/Getty Images)
Vùng tối của Mặt Trăng nằm ngoài phạm vi liên lạc thông thường, điều đó có nghĩa là Thường Nga-6 cũng phải dựa vào một vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 3 có tên Queqiao-2 để liên lạc.
Đây là nỗ lực sử dụng robot thăm dò Mặt Trăng phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hiện đã có hai cuộc đổ bộ ở phía xa của Mặt Trăng, gồm lần này và Hằng Nga-4 - tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh thành công ở nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng vào ngày 3/1/2019.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Thường Nga-6 sẽ tạo nên kỳ tích lịch sử xa hơn cho Trung Quốc khi mang đến cho các nhà nghiên cứu cái nhìn cận cảnh đầu tiên về vật liệu từ phần tối của Mặt Trăng.
Sự kiện tàu Thường Nga-6 hạ cánh thành công xuống phần tối của Mặt Trăng, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho sứ mệnh đầy tham vọng có thể thúc đẩy khát vọng đưa phi hành gia lên Mặt Trăng của nước này. Trung Quốc có kế hoạch thực hiện thêm hai sứ mệnh nữa khi nước này tiến gần đến mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!