Đây là nội dung thay đổi mới trong Bộ luật lao động của nước này và cũng là lần thay đổi đầu tiên kể từ khi Bộ luật lao động được sửa đổi vào năm 2012.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Lao động Tây Ban Nha Yolanda Diaz cho biết với nội dung sửa đổi này, người lao động sẽ không phải lo bị sa thải khi họ nghỉ làm liên tục với lý do chính đáng như ốm đau. Nội dung sửa đổi mới trên sẽ giúp Tây Ban Nha không có sự khác biệt với các nước khác.
Trước đó, vào năm 2012, chính phủ bảo thủ khi đó ở Tây Ban Nha đã ban hành Luật lao động sửa đổi trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang ở điểm đỉnh suy thoái. Theo bộ luật này, người lao động sẽ bị chủ công ty hoặc doanh nghiệp sa thải nếu họ nghỉ ốm liên tục, ngay cả khi có giấy chứng nhận tình trạng bệnh tật của bác sĩ. Luật Lao động sửa đổi năm 2012 cũng giúp cho giới chủ lao động dễ dàng và ít tốn kém hơn trong việc sa thải nhân viên của họ, đồng thời cũng hạn chế sức mạnh của các nghiệp đoàn lao động nước này.
Trong báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Luật lao động sửa đổi năm 2012 của Tây Ban Nha đã cải thiện hiệu suất làm việc của người lao động nước này, tuy nhiên nhiều nhà phê bình cho rằng luật này đã khiến sự bảo đảm công việc bị giảm. Hiện Tây Ban Nha là nước phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng lao động tạm thời hơn bất kỳ nước nào trong Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Pedro Sanchez của đảng Công nhân Xã hội và đối tác là liên minh cánh tả Unidas Podemos đã dùng những khiếm khuyết của Luật Lao động cải cách năm 2012 thành trọng tâm trong các chiến dịch tranh cử. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã giảm từ mức kỷ lục 27,2% trong quý I năm 2013 xuống còn 13,8% trong quý IV/2019. Mặc dù có sự cải thiện lớn trong tỷ lệ người thất nghiệp nhưng Tây Ban Nha vẫn là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ 2 trong EU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!