Người dân sơ tán khỏi dòng nước lũ sau cơn bão Ida ở LaPlace, bang Louisiana, Mỹ ngày 30/8. (Ảnh minh họa: AP)
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy, số lượng các thảm họa thời tiết như lũ lụt và sóng nhiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại tổng cộng 3,64 nghìn tỷ USD.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, báo cáo "Atlas", được phát hành vào ngày 1/9, là đánh giá toàn diện nhất về tỷ lệ tử vong và thiệt hại kinh tế do thời tiết, nước và khí hậu khắc nghiệt gây ra.
Theo khảo sát, khoảng 11.000 thảm họa đã xảy ra từ năm 1970 đến năm 2019, bao gồm các sự kiện lớn như hạn hán vào năm 1983 ở Ethiopia, gây tử vong nhiều nhất với 300.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, cơn bão Katrina vào năm 2005 là thảm họa gây thiệt hại lớn nhất, lên tới 163,6 tỷ USD.
Báo cáo được đưa ra trong mùa thiên tai diễn ra trên toàn cầu, bao gồm lũ lụt gây chết người ở Đức và một đợt nắng nóng ở Địa Trung Hải, Mỹ bị tấn công đồng thời bởi cơn bão Ida và cháy rừng do hạn hán.
"Nhờ cải tiến dịch vụ cảnh báo sớm, chúng tôi đã có thể giảm thiểu thương vong trong những thảm họa thời tiết khắc nghiệt kiểu này, nhưng tin xấu là thiệt hại kinh tế đang tăng lên rất nhanh và chi phí khắc phục thiệt hại được cho là sẽ tiếp tục tăng", Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nói trong một cuộc họp báo. "Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng thời tiết cực đoan hơn do biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu cực này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập kỷ tới".
Mực nước thấp ở hồ Oroville trong bối cảnh hạn hán diễn ra ở Oroville, bang California ngày 22/8. (Ảnh: AP)
Báo cáo xác nhận xu hướng gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, với số lượng các thảm họa tăng gấp khoảng 5 lần từ những năm 1970 đến thập kỷ gần đây nhất. Đây là dấu hiệu cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Với dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học về thảm họa của Bỉ, báo cáo thông tin, trung bình thế giới có khoảng 711 thảm họa thời tiết mỗi năm trong những năm 1970. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến năm 2009, con số này đã lên 3.536 vụ mỗi năm hay gần 10 thảm họa một ngày. Số lượng các trận thiên tai trung bình hàng năm đã giảm một chút trong những năm 2010, xuống còn 3.165 vụ.
Chi phí cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng tăng từ 175,4 tỷ USD trong những năm 1970 lên 1,38 nghìn tỷ USD trong những năm 2010. Thảm họa thời tiết gây tốn kém nhất kể từ năm 1970 đều là những cơn bão ở Mỹ, đứng đầu là bão Katrina vào năm 2005. Trong khi đó, 5 thảm họa thời tiết gây chết chóc nhất là ở châu Phi và châu Á, đứng đầu là nạn đói và hạn hán tại Ethiopia vào giữa những năm 1980 và cơn bão Bhola ở Bangladesh trong năm 1970.
Tuy nhiên, dù các thảm họa thời tiết gây tốn kém hơn và diễn ra thường xuyên hơn, số nạn nhân tử vong hàng năm đã giảm từ hơn 50.000 người trong những năm 1970 xuống còn khoảng 18.000 trong những năm 2010, cho thấy việc lập kế hoạch tốt hơn đang mang lại hiệu quả.
WMO hy vọng, báo cáo đưa ra phân tích chi tiết ở các khu vực sẽ được sử dụng để giúp chính phủ các nước có những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ người dân tốt hơn.
Báo cáo cho biết, hơn 91% trong số 2 triệu ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, đồngg thời lưu ý rằng, chỉ một nửa trong số 193 thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm. "Những lỗ hổng nghiêm trọng" trong dịch vụ quan trắc thời tiết, đặc biệt là ở châu Phi, đang làm giảm tính chính xác của các hệ thống cảnh báo sớm. Hầu hết các trường hợp tử vong trong những thảm họa thời tiết là do bão, lũ lụt và hạn hán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!