Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn

Nhật Anh (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 28/10/2019 19:52 GMT+7

Thảm kịch 39 người nhập cư trái phép thiệt mạng trong xe container tại hạt Essex, Anh, hé lộ một bức tranh phức tạp về nạn buôn người trái phép từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì sao con đường nhập cư hợp pháp khó khăn đến vậy?

Trước khi xảy ra thảm kịch trên, nước Anh đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Anh là nước có tỉ lệ dân nhập cư thiệt mạng trên xe tải cao nhất châu Âu, theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới hành động Xuyên biên giới. Kể từ năm 2000, tổ chức này ghi nhận đã có 73 người chết trên đường trốn sang Anh bằng xe tải. Pháp đứng thứ hai, với 42 người nhập cư thiệt mạng theo cách này. Đó là những cái chết không phải do tai nạn, không phải bây giờ mới có, và có lẽ cũng sẽ không phải chuyện chỉ xảy ra một lần. Ngay cả khi đã tới được Anh an toàn, người nhập cư cũng sẽ vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ những chính sách tại nước sở tại.

Bà Debbie Busler, lãnh đạo Tổ chức Chữ Thập đỏ Anh, chia sẻ con đường nhập cư chính thức thường phải mất nhiều năm đi kèm với những rào cản phức tạp về pháp lý và thiếu sự hỗ trợ, do đó người di cư buộc phải chọn cách bất hợp pháp.

Cơ hội và rào cản với người nhập cư

Châu Âu được tin là "vùng đất đổi đời" với những người di cư, với hy vọng sẽ đến được các quốc gia có chính sách chào đón, thậm chí hỗ trợ người di cư xây dựng cuộc sống ổn định. Với châu Âu, sử dụng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường lao động, với chi phí thấp hơn so với thuê lực lượng lao động bản địa. Việc Anh đang trong quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đã đặt ra những thách thức về nhân lực. Báo cáo của Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết, Anh sẽ thiếu trầm trọng nhân công nếu chính phủ Anh không có chính sách phù hợp cho người nhập cư. Mặt khác, tỷ lệ sinh ở châu Âu cũng đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu cùng giấc mơ đổi đời.

Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn - Ảnh 1.

Làn sóng nhập cư bắt đầu vào năm 2015, khi lượng người nhập cư vào châu Âu từ khu vực Trung Đông và châu Phi, gần đây là châu Á tăng đột biến. Mỗi ngày, vẫn có hàng trăm người luôn tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có "chính sách mềm" với người nhập cư tại EU. Dù thế, tất cả đều hiểu viễn cảnh tồi tệ nhất là bị bắt giữ, đưa vào trại tị nạn, bị phạt tiền rất nặng, hay nặng nhất là bị bỏ tù, rồi trục xuất....Luật sư chuyên làm việc về vấn đề di dân Harjap Bhangal cho biết, khi bị đưa vào những trại tị nạn, người nhập cư có nguy cơ bị trục xuất, hoặc sống trong tình trạng tạm bợ, thiếu thốn. "Chính vì vậy, họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn qua những tay buôn người để nhập cư trái phép, tránh sự truy bắt của chính quyền để được tồn tại ở châu Âu. Và hành trình này không phải lúc nào cũng trót lọt", ông nói thêm.

Thực trạng nhập cư bất hợp pháp vào Anh

Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn - Ảnh 2.

Theo trang tin BBC, rất khó để đưa ra thông tin chính xác về số người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Lực lượng biên phòng Anh thường xuyên ghi nhận các vụ nhập cư trái phép, nhưng không công bố số liệu chính thức. Tuy nhiên, một cuộc điều tra độc lập của BBC News cho thấy có khoảng 27.860 người bị bắt vì nhập cư bất hợp pháp vào Anh từ giữa năm 2013 đến tháng 4/2016. Cũng trong khoảng thời gian này, có 2.482 vụ bắt giữ nhằm vào các trường hợp hỗ trợ người di cư nhập cảnh trái phép.

Kể từ khi các trại nhập cư ở Pháp bị đóng cửa hồi năm 2016 - 2017, số người nhập cư nhỏ lẻ vào Anh có dấu hiệu giảm. Thay vào đó, số vụ nhập cư bằng đường thủy hoặc đường bộ, được sắp xếp và tổ chức bởi các băng nhóm tội phạm, lại có chiều hướng tăng. Cơ quan kiểm soát tội phạm quốc gia Anh (NCA) cảnh báo: các tổ chức tội phạm ngày càng tinh vi và liều lĩnh trong việc tìm những cách thức nguy hiểm và phi pháp hơn để vào Anh, như vận chuyển người trong container, xe hàng hoặc bằng thuyền. Bất chấp việc cảnh sát đã cảnh giác hơn với những hình thức vận chuyển người trái phép kiểu này và áp dụng các phương thức phát hiện tốt hơn, những băng đảng tội phạm vẫn tìm ra cách mới để lách luật và khai thác những tuyến đường mới ít bị chú ý. Thêm vào đó, các mạng lưới buôn người có "chân rết" tại nhiều quốc gia và hoạt động xuyên biên giới, khiến cho các lực lượng chứng năng khó kiểm soát nếu không có sự phối hợp về thông tin.Bộ trưởng về vấn đề nhập cư của Bỉ Theo Francken đã gọi đây là "vấn đề không của riêng ai", và thúc giục chính phủ Anh phối hợp để siết chặt việc kiểm soát biên giới.

Thế khó của nước Anh

Theo tờ Washington Post, ngày càng nhiều người tìm kiếm cơ hội được nhập cư một cách trái phép hoặc giả mạo tị nạn tại Anh. Điều này buộc giới chính trị gia Anh trong nhiều năm qua đã liên tục sửa đổi và siết chặt lại chính sách chống nhập cư. Năm 2018, Cơ quan thực thi vấn đề nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Anh từng cảnh báo rằng nước Anh sẽ đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nếu như không có biện pháp cứng rắn gửi trả những người nhập cư trái phép về nơi xuất phát.

Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn - Ảnh 3.

"Đây là một cuộc tranh luận phức tạp." bà Madeleine Sumption, chuyên gia về vấn đề di cư tại Đại học Oxford, bình luận. "Các chính sắt thắt chặt an ninh biên giới của Anh những năm gần đây là nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng người di cư nói chung tại châu Âu. Mặc dù thế, an ninh tại các khu vực cảng biển vẫn lỏng lẻo." Đầu năm 2018, chính phủ Anh đã chi khoảng 45 triệu bảng Anh cho việc tăng cường công tác an ninh tại cảng gần eo biển Manche, khu vực hay được người di cư trái phép tìm đến để vào Anh trái phép. Thế nhưng, không phải cửa ngõ nào cũng được đầu tư như vậy bởi những lý do như nguồn nhân lực an ninh và cả chính sách "thắt lưng buộc bụng". Đây tất nhiên không phải nỗi khổ của riêng nước Anh, bởi các băng nhóm buôn người vẫn luôn có cách tìm ra kẽ hở. Giảng viên chuyên ngành Tội phạm học tại Đại học Monash, Australia, Sharon Pickering nhận định rằng sẽ không có biệp pháp đơn lẻ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu tình trạng nhập cư bằng cách thức nguy hiểm. "Cơ quan chức năng không thể chỉ chọn một phần nào đó nổi cộm của vấn đề và nói: ‘đáng ra phải nên can thiệp, xử lý lỗ hổng này từ đầu’. Xu hướng di cư không bao giờ dừng, nó sẽ chỉ thay đổi theo tình hình." – bà Pickering nói.

Tiến trình Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, cũng có những ảnh hưởng nhất định tới vấn đề này. Các nghị sĩ và chuyên gia cấp cao hôm 26/10 cảnh báo, có khả năng Anh có thể sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận, thậm chí loại khỏi Trung tâm Chống Buôn người Di cư châu Âu - một đơn vị thuộc Europol thời hậu Brexit. Cựu Tổng giám đốc Cơ quan thực thi nhập cư tại Bộ Nội vụ Anh David Wood thừa nhận áp lực đối với hoạt động kiểm soát an ninh tại các cảng ở Anh sẽ tăng mạnh sau Brexit và nguy cơ gia tăng các tấn thảm kịch xe tải như ở Essex, nếu thiếu các nỗ lực hợp tác quốc tế. Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nội địa, nghị sỹ Công đảng Yvette Cooper nhận định: "Ở thời điểm chúng ta đang phải đối mặt với các vấn đề ngày càng tăng với loại tội phạm buôn người khủng khiếp này, sẽ là đáng tiếc nếu Anh không còn tham gia vào Europol cũng như Đơn vị chống buôn người, hoặc để mất quyền tiếp cận kho dữ liệu khổng lổ giúp chúng ta đối phó với tội phạm."

Chính sách biên giới tại châu Âu thành chủ đề tranh cãi

Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn - Ảnh 4.

Tất nhiên, vấn đề kiểm soát và ngăn chặn vận chuyển người trái phép sẽ không chỉ được giải quyết chỉ bằng việc rút kinh nghiệm từ những vụ việc như trên. Bởi đây là một vấn đề quốc tế, đòi hỏi những nỗ lực quốc tế. Một bài phân tích đăng tải trên tờ The Guardian đặt ra câu hỏi, liệu những thảm kịch như vậy có khiến chính quyền các nước phải nhìn nhận lại về áp lực lên người di cư hiện đại? Liệu rằng những chính sách nhập cư khắt khe, những hành động tiếp nhận di dân dè dặt và cả những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ có phải là một phần lý do khiến hàng triệu người chấp nhận dấn thân vào những hành trình dài và nguy hiểm hơn, để tự tìm cơ hội đến nơi mà họ coi là "vùng đất hứa"?

"Chúng ta đang mắc kẹt trong tình huống mà chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết của những người tị nạn, hoặc đẩy họ vào tay những kẻ buôn người. Chừng nào nước Anh vẫn là điểm đến hấp dẫn thì sẽ còn những người di cư sẵn lòng vượt biên," ông Francois Gemenne, nhà nghiên cứu về di cư tại Đại học Liege, Bỉ, cho hay. "Những kẻ buôn người chẳng mảy may quan tâm đến số phận người di cư. Sự vô nhân đạo của các đường dây buôn người là nếu món hàng biến mất, sẽ không ai lên tiếng đòi lại", ông nói thêm.

Trang tin WalesOnline thì nhận định, những vụ người di cư mắc kẹt và thiệt mạng trong xe tải xuyên biên giới là minh chứng cho thấy "chưa có bài học nào được rút ra" để ngăn chặn những câu chuyện tương tự. Trả lời phỏng vấn tờ này, Giáo sư Patricia Hynes từ Đại học Bedfordshire (Anh), chuyên gia về lĩnh vực di cư cưỡng ép, nhận định: "Đã hơn 2 thập kỉ, nước Anh theo đuổi chính sách pháp lý - hạn chế cơ hội cho bất kì ai cần nhập cư đến đây một cách an toàn và hợp pháp. Các con đường duy nhất có sẵn trong bối cảnh siết chặt chính sách như vậy - chính là các tuyến đường không an toàn, mạo hiểm, đẩy trẻ em và người lớn vào những mối hiểm nguy khôn lường."

Một bài viết khác trên trang Washington Post cũng cho rằng vấn đề tăng cường kiểm soát biên giới không những "chưa phải là giải pháp", mà có khi còn là một yếu tố đẩy hoạt động nhập cư trái phép và buôn bán người trở nên khó đoán định hơn. Thống kê cho thấy vào năm ngoái, Anh đã ghi nhận hơn 35.000 trường hợp vượt qua Eo biển Manche bất hợp pháp đã bị Pháp và Bỉ ngăn chặn. Trong cùng thời gian 12 tháng, hơn 8.000 người đã được phát hiện tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp bằng xe ô tô. Việc luật hóa các biện pháp ngăn chặn nạn nhập cư trái phép và nạn buôn người được kỳ vọng sẽ khiến người nhập cư hiểu rõ lập trường cứng rắn của các chính phủ và giảm ý muốn nhập cư vào các nước này. Thế nhưng, theo giới phân tích, chính phủ các nước - đặc biệt là Anh, có lẽ cũng cần cân nhắc tới hệ lụy không mong muốn từ chính những chính sách kiểm soát biên giới hà khắc.

Quy định Dublin của EU yêu cầu rằng một cá nhân chỉ được tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đến, càng khiến nhiều người tìm cách đến Anh bằng mọi giá. Anh đã cung cấp tị nạn, bảo vệ nhân đạo hoặc các hình thức tái định cư cho 18.519 người từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. Tuy nhiên, để xin được tị nạn ở Anh vẫn được đánh giá là khó, bởi nơi đây chỉ đang tiếp nhận ít hơn 1% số người tị nạn trên thế giới.

Làm thế nào để không "mất bò mới lo làm chuồng"?

Thảm kịch xe tải chở người di cư thiệt mạng - Nhìn lại chính sách nhập cư cứng rắn - Ảnh 5.

Chuyến xe định mệnh được phát hiện tại Essex, và nó hé lộ một phần những tấn thảm kịch luôn chực trờ người nhập cư trái phép. Có những chuyến xe qua qua mắt lực lượng an ninh trót lọt, nhưng cũng không đảm bảo được những "hành khách" trên xe sẽ đến được cái đích mà họ mong muốn. Họ có thể đối mặt với nguy cơ bị thủ tiêu, bị biến thành những lao động nô lệ thời hiện đại suốt đời. Chừng nào vẫn còn những tuyến đường được vạch ra, những "con mồi" bị dụ dỗ trả tiền cho những hành trình đến "miền đất hứa", và tội phạm buôn người vẫn thoát "lưới trời", thì những thảm kịch tương tự như vụ Essex có lẽ sẽ không phải là vụ cuối cùng.

Tổ chức ủng hộ quyền lợi nhập cư Pro Asyl của Đức kiến nghị Liên minh châu Âu nên chịu một phần nào trách nhiệm về những người đã thiệt mạng. Phát biểu với kênh truyền hình ZDF, ông Günter Burkhardt, Giám đốc của Pro Asyl, cho biết: "Nếu các chính sách ủng hộ việc đóng cửa đường tới EU với người tị nạn, thì đó cũng là một "đồng phạm" trong việc đẩy người nhập cư và người tị nạn vào tay những kẻ buôn người." Nỗi quan ngại này ngày càng rõ rệt hơn, trong bối cảnh khi Anh chính thức rời EU, các cơ hội đoàn tụ gia đình hoặc nhập cư vào Anh từ các nước châu Âu khác sẽ thêm phần khó khăn.

Nghị sỹ Anh Jackie Doyle-Price bình luận: "Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân là tìm ra những kẻ phạm tội buôn người và truy tố trước pháp luật. Và tốt hơn cả là tìm cách ngăn chặn những câu chuyện như thế này xảy ra. Không phải bằng cách "đóng cửa" với họ, mà giúp người nhập cư có những con đường vào nước Anh hợp pháp và an toàn hơn."

Nguồn tổng hợp: The Washington Post, The Guardian, The Telegraph, WalesOnline, Press Association, BBC, Financial Times, Sky News

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước