Tăng trưởng toàn cầu chậm và không đồng đều
Đã có những tín hiệu lạc quan hơn từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới khi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong quý 3 vừa qua đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong gần hai năm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần qua cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, dự báo mới nhất cho rằng khu vực này có thể sẽ rơi vào tình trạng đình trệ hoặc thậm chí là suy thoái nhẹ trong quý cuối cùng của năm.
Trong bức tranh chung đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được đánh giá là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Nhìn một cách tổng thể, nếu như các dự báo cách đây 1 năm đều cho rằng, thế giới sẽ khó tránh khỏi rơi vào suy thoái, thì ở thời điểm này, IMF nhận định triển vọng hạ cánh mềm đang ngày càng rõ nét, dù kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm và không đồng đều.
Trong dự báo cập nhật tuần qua, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng trước.
Bà Gita Gopinath - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt 5,4% trong năm 2023, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch".
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF đánh giá kinh tế toàn cầu đã tránh được kịch bản suy thoái dù phải đương đầu với những cú sốc lớn trong 2-3 năm qua, nhưng cũng không thể hiện quá xuất sắc, tăng trưởng kinh tế có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.
Ông Pierre-olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống mức 3% trong năm nay và 2,9% trong năm sau, với khoảng cách ngày càng nới rộng giữa các nước".
Theo số liệu vừa được công bố cuối tháng 10 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc trong quý 3 với tốc độ lên tới 4,9%. Trước đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ thêm 0,3 điểm phần trăm lên 2,1% cho cả năm 2023, đưa Mỹ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có triển vọng tăng trưởng vượt mức trước đại dịch.
Khu vực châu Á sẽ tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 4,6% trong năm nay, tăng ấn tượng từ mức 3,9% năm 2022, trong đó kinh tế Ấn Độ tăng trưởng lên tới 6,3%, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ở mức 2%.
Kinh tế Nga đã thể hiện sức bền cao hơn nhiều so với dự báo của nhiều nhà kinh tế, với mức tăng trưởng có triển vọng đạt 2,2% trong năm 2023, tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Tuy nhiên, ngoài những điểm sáng trên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm tốc từ mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2022 xuống còn 1,5% trong năm nay.
Đáng chú ý, kinh tế khu vực đồng euro trong tháng 10 vừa qua đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần ba năm qua. Theo báo cáo mới của S&P Global được công bố hôm 6/11, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại khu vực này đã giảm xuống 46,5 vào tháng 10, từ mức 47,2 trong tháng 9. Tháng 10 đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này ở dưới ngưỡng 50, cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất.
Trên phạm vi toàn cầu, chỉ số PMI tháng 10 giảm 0,9 điểm phần trăm so với tháng trước, xuống mức 47,8%, tức là cũng dưới 50.
Ông Xu Hongcai - Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế, Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc: "Nhìn chung, sản xuất toàn cầu tiếp tục có dấu hiệu chạm đáy và theo chiều hướng đi xuống, xu hướng này phản ánh đúng tình hình kinh tế toàn cầu. Một cách tổng thể, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn còn rất nhiều thách thức".
Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư tài chính toàn cầu vừa được tổ chức tuần qua tại Hong Kong (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo các ngân hàng hàng đầu thế giới đã bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tiếp theo của lĩnh vực tài chính có thể đến từ sự bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, các điểm nóng xung đột có thể kìm hãm đà phục hồi của thị trường toàn cầu.
Áp lực lạm phát và lãi suất cao kéo dài
Mặc dù chưa có các những số liệu cụ thể, nhưng một bầu không khí lo ngại đang bao trùm trước những tác động tiêu cực của tình hình chiến sự tại Trung Đông đến giá dầu và rộng hơn là kinh tế thế giới. IMF có đưa ra một công thức là giá dầu thế giới cứ tăng 10% thì lạm phát toàn cầu sẽ tăng 0,4% điểm phần trăm, trong khi GDP toàn cầu sẽ giảm 0,15 điểm phần trăm. Việc đảm bảo lượng dầu dự trữ trên thị trường toàn cầu là một yếu tố quan trọng để tránh một cú sốc cho kinh tế thế giới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn đang phải đương đầu với bài toán lạm phát cao, dẫn đến những đợt tăng lãi suất liên tiếp lên mức cao kỷ lục, kéo dài trong nhiều tháng qua.
Anh Omar Ben Hammou - Bếp trưởng Nhà hàng Lila, Berlin, Đức đang lo lắng về nguy cơ phải đóng cửa nhà hàng hải sản của mình tại Berlin (Đức) trước tình trạng lạm phát cao đã kéo dài nhiều tháng qua và vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới. "Khó khăn của chúng tôi bây giờ là hàng hóa đắt lên, lao động ít đi, chúng tôi chỉ còn cách tăng giá bán, nhưng khi nhà hàng tăng giá thì khách hàng phàn nàn và đưa ra đánh giá không hay về chúng tôi. Chúng tôi phải làm gì đây? Chỉ còn cách đóng cửa".
Ông Artjom Lewitan - Khách hàng: "Chắc chắn là bây giờ mỗi khi đi ăn nhà hàng, chúng tôi lại phải nghĩ xem có thực sự cần thiết không, mình có đủ tiền không, hay là thôi, tự nấu ăn ở nhà".
Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn Đức, có tới 12.000 doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực này có dự định đóng cửa vì tình hình bi quan.
Bà Ingrid Hartges - Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Đức (DEHOGA): "Với chi phí tăng vọt trong 1 năm rưỡi vừa qua, chưa kể những gánh nặng từ giai đoạn đại dịch, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rất khó khăn".
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã liên tiếp tăng lãi suất. Lãi suất tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 22 năm. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang duy trì mức lãi suất cao kỷ lục trong 15 năm qua. Sau 10 lần tăng liên tiếp, lãi suất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): "Lạm phát vẫn được dự báo ở mức rất cao trong thời gian dài và áp lực giá cả tại châu Âu vẫn sẽ lớn. Với câu hỏi bao giờ sẽ cắt giảm lãi suất và cắt giảm đến mức nào, câu trả lời là vấn đề này hoàn toàn không được đưa ra thảo luận. Vẫn còn quá sớm để bàn đến chuyện này".
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED): "Nếu việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa là phù hợp, chúng tôi sẽ sẵn sàng làm điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục các bước đi một cách thận trọng để có thể đánh giá đầy đủ các rủi ro, không để bị đánh lừa bởi một vài tháng dữ liệu tốt, nhưng cũng không thắt chặt quá mức".
Áp lực lãi suất kéo dài, đẩy chi phí đi vay tăng mạnh, đang khiến nước Mỹ phải chứng kiến một làn sóng vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp. Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global, 516 công ty tại nước này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản chỉ tính đến cuối tháng 9 năm nay, vượt số doanh nghiệp phá sản trong năm 2021 và 2022.
IMF đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua và triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam trong trung hạn, với những điểm sáng như triển vọng phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá: Những gì chúng tôi thấy là việc Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng suốt từ năm 2022 đến nay, để đối phó trước tình hình bất ổn của thị trường tài chính tiền tệ thế giới và tác động đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng nhà nước có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền tệ, lãi suất, để đảm bảo hệ thống tài chính, tiền tệ giữ được sự ổn định và đến nay có thể nói là đã thành công.
Nhưng chúng tôi thấy không còn nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ, vì lãi suất đã được giảm và hiện ở mức thấp, tính thanh khoản của hệ thống tài chính đã được cải thiện, để ổn định thị trường.
Và điều mà chúng tôi khuyến nghị là nên tập trung vào chính sách tài khóa và bây giờ là thời điểm chính phủ phải tiếp tục hành động, sau khi đã thực hiện việc giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội để có thể hỗ trợ tốt hơn những người khó khăn.
Về chính sách tài chính, kinh nghiệm từ thế giới từ vụ đỗ vỡ ngân hàng ở Mỹ cho thấy, nó có tác động dây chuyền rất nhanh, vì vậy, Việt Nam cần tăng cường năng lực để có thể giám sát được hệ thống ngân hàng, quản lý được nó và phòng tránh được rủi ro, khủng hoảng, trước hết là việc ban hành các quy định để phòng ngừa rủi ro. Việt Nam đang xem xét lại các quy định về ngân hàng, các tổ chức tín dụng, và tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện điều này nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý, để chính phủ, ngân hàng nhà nước có thể hành động nhanh hơn nhằm đối phó hữu hiệu với những rủi ro.
Việt Nam có lợi thế lớn so với nhiều nước khác, điều mà tôi đã thấy trong quá trình làm việc, đó là có nhiều không gian tài khóa, có mức nợ thấp. Việt Nam đã rất thận trọng trong những năm qua trong khi nhiều nước trên thế giới có mức nợ cao và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này. Khi có mức nợ cao, rất khó để chính phủ có thể giúp nền kinh tế. Chính sách tài khóa là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng trong khi nhiều nước khác thì không có được. Đây là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai là Việt Nam có sự ổn định về chính trị, về vĩ mô, điều này rất quan trọng với các nhà đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư đã nói với chúng tôi họ thích Việt Nam vì có sự ổn định này, và với họ, nó rất quan trọng.
Còn về trung hạn và dài hạn, Việt Nam đang được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, vì có một thị trường nội địa rất lớn. Nếu anh đầu tư vào nền kinh tế, năng suất sẽ tăng lên, kinh tế phát triển, và đó là một thị trường lớn cho khu vực. Điều này vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạch định kinh doanh hôm nay.
Một lợi thế khác là thị trường bất động sản. Như tôi đã đề cập, nó đang có vấn đề hiện nay, nhưng tương lai, khi những vấn đề hiện nay được giải quyết, nó sẽ là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam, vì số người cần mua nhà ở Việt Nam vẫn rất lớn. Vì vậy, nếu thực hiện tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mức tăng trưởng từ 6-7%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trên thế giới, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!