Thống kê cho thấy, số người đối mặt với mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi, lên 345 triệu người kể từ năm 2019. Con số này sẽ không dừng lại, khi mà hàng triệu người đang và sẽ tiếp tục bị tước quyền tiếp cận lương thực mà nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu.
Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho biết, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có 135 triệu người rơi vào nghèo đói trên toàn cầu. Thế nhưng, biến đổi khí hậu, xung đột đã khiến con số này gia tăng và tiếp tục tăng cao. Theo các dự báo mới nhất của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), xung đột có thể làm tăng số người bị suy dinh dưỡng mãn tính thêm 18,8 triệu vào năm 2023.
Ông Antonio Guterres nói: "Cuộc xung đột Ukraine cùng với các cuộc khủng hoảng khác đang đe dọa gây ra một làn sóng đói kém chưa từng có, kéo theo sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng lương thực năm nay là vì khó tiếp cận, năm sau có thể là thiếu lương thực".
Gần 3 năm sau khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 và những tác động của nó tiếp tục tấn công vào những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục mất việc làm và lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Và một nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là các xu hướng khí hậu đáng lo ngại liên quan đến hiện tượng La Nina bắt đầu từ cuối năm 2020 và đang tiếp tục kéo dài sang năm 2022.
Thế giới liên tục phải chứng kiến những hiện tượng bất thường của thời tiết từ hạn hán, lũ lụt, đến bão và lốc xoáy… tàn phá hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và đẩy hàng triệu người đến bờ vực đói nghèo. Tại Liên minh châu Âu, hạn hán đang ảnh hưởng đến một trong những vựa lúa mì của thế giới.
Hạn hán năm nay tại châu Âu được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm. Dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hoa hướng dương của các nước EU thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!