Trong những ngày cuối năm 2021, "biến thể Omicron" đang là cụ từ khiến nhiều quốc gia quan ngại. Thế giới đã vừa trải qua mùa lễ hội Giáng sinh và đang chuẩn bị đón năm mới 2022, thời điểm mọi người thường gặp gỡ, tụ tập; cùng với việc nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông ở Bắc bán cầu, đây là điều kiện lý tưởng để biến thể Omicron phát tán.
Nhiều quốc gia như Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và cả Việt Nam cũng đã ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên. Mặc dù những nghiên cứu ban đầu cho thấy, các ca bệnh nặng và tử vong do mắc Omicron là không nhiều so với biến thể Delta, nhưng trước tốc độ lây lan nhanh của biến thể siêu đột biến mới này, nhiều quốc gia đã có những phản ứng quyết liệt ngay từ khi xuất hiện ca mắc Omicron đầu tiên.
Các nước phản ứng khi có ca nhiễm biến thể Omicron
Ngay sau khi có những ca mắc Omircon đầu tiên, nhiều quốc gia nhanh chóng áp đặt hạn chế nghiêm ngặt.
Mỹ, nơi có số ca lây nhiễm cao nhất toàn cầu, đã ngay lập tức áp lệnh cấm nhập cảnh với người từ châu Phi. Một số thành phố đã tái thiết lập hạ tầng xét nghiệm, trong khi nhiều địa phương yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian công cộng trong nhà tới hết tháng 1/2022.
Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới, đã đưa Mỹ cùng một loạt nước vào danh sách cấm đi lại để ngăn Omicron xâm nhập.
Tại châu Âu, Hà Lan hôm 20/12 trở thành quốc gia đầu tiên tái phong tỏa toàn quốc vì lo ngại số lượng giường chăm sóc đặc biệt không đủ đáp ứng.
Trong khi đó, nhiều nước như Pháp, Anh hay Italy đã áp đặt các biện pháp mềm mỏng hơn, đồng thời vẫn cho tăng cường xét nghiệm và bắt buộc đeo khẩu trang trong lúc chờ đợi, đánh giá tình hình trước khi đưa ra các hành động cứng rắn để tránh tổn hại nền kinh tế.
Dù chọn cách phản ứng mềm mỏng hay cứng rắn, các nước trên vẫn coi tiêm vaccine COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Cũng theo giới chuyên gia, dù Omicron được cho là có thể né tránh miễn dịch nhưng việc tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường vẫn giúp người nhiễm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Trong mọi trường hợp, việc tiêm vaccine là cần thiết để phòng chống các biến thể của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Cẩn trọng trước sự lây lan của Omicron là không thừa
Một thách thức mới là việc phát hiện Omicron trong mẫu xét nghiệm không dễ dàng. Xét nghiệm sớm, xét nghiệm nhiều lần vẫn là phương pháp hàng đầu để truy tìm biến thể Omicron. Thậm chí, các nhà khoa học Anh còn xác định được một phiên bản Omicron "tàng hình", có thể qua mặt phương pháp xét nghiệm PCR đang được nhiều nước sử dụng hiện nay. Chính vì thế, cộng thêm đặc tính lây lan nhanh, biến thể Omicron đang có nguy cơ gây sức ép lên hệ thống y tế.
Không chỉ châu Âu, Mỹ cũng đang tăng cường xét nghiệm để phát hiện những ca lây nhiễm Omicron trong cộng đồng. Với tốc độ lây lan nhanh gấp 5 lần Delta, những đối tượng dễ tổn thương như người già, người có bệnh lý nền và trẻ em sẽ dễ bị lây nhiễm nhất.
Theo WHO và giới chuyên gia y tế, chính vì Omicron chỉ khiến người nhiễm có những biểu hiện giống cúm thông thường nên mọi người sẽ dễ bị nhầm lẫn và không đề phòng. Do đó, cần phải cùng lúc xét nghiệm và tiêm chủng để không vô tình trở thành nguồn lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Dự báo biến thể Omicron năm 2022
Tờ Channel News Asia trích nhận định của chuyên gia sức khỏe cộng đồng, Phó Giáo sư Natasha Howard, Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock tại Singapore, cho biết, với sự gia tăng của biến thể Omicron, số trường hợp mắc bệnh và số người nhập viện sẽ tăng lên. Có vẻ như Omicron sẽ trở thành chủng SARS-CoV-2 chiếm số lượng lớn trên toàn cầu vào năm 2022.
Tuy nhiên, tờ báo này cũng trích nhận định của nhà nghiên cứu Ben Krishna tại Đại học Cambridge, Anh, cho rằng, Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng, nhưng nó có thể là "biến thể cuối cùng đáng quan ngại". Omicron chỉ đơn giản là đột biến ngẫu nhiên, thay đổi theo thời gian để trở nên khó nhận biết hơn đối với hệ miễn dịch. Việc cần làm là nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch nhờ vaccine để đối phó với chúng như bệnh cúm mùa.
Indonesia có ca mắc biến thể mới cộng đồng đầu tiên, 5 nước có tỷ lệ lây nhiễm Omicron cao nhất thuộc châu Âu VTV.vn - Đến sáng 29/12, thế giới có trên 282,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,42 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. | Omicron có thể gây ra các triệu chứng của bệnh cảm thông thường VTV.vn - Ngoài các triệu chứng thông thường như sốt, đau đầu liên tục và mất khứu giác hay vị giác, Omicron cũng có thể gây ra các triệu chứng của bệnh cảm thông thường. | Biến thể Omicron đang thách thức các chiến lược chống dịch tại các quốc gia VTV.vn - Tính đến sáng sớm nay, thế giới có 280,4 triệu ca mắc COVID-19 và 5,4 triệu trường hợp tử vong. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!