Cách đây 2 ngày, tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ đã diễn ra hội nghị kéo dài 5 ngày thảo luận về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu. Đáng chú ý, sau gần nửa thế kỷ khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ra đời, thế giới mới chứng kiến thêm một nỗ lực nữa nhằm xóa bỏ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng với cộng đồng quốc tế hàng thập kỷ qua. Trước đó, các nước đã đạt được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT vào năm 1968, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện CTPT có hiệu lực từ năm 1970. Tuy nhiên các hiệp ước này được cho là không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Do đó một hiệp ước mới trong cấm việc sở hữu, sử dụng và phát triển vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu là mục tiêu của hội nghị lần này của Liên Hợp Quốc.
Hy vọng là thế tuy nhiên, căn cứ vào những gì diễn ra tại hội nghị, mục tiêu phi hạt nhân hóa trên quy mô toàn cầu dường như vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.
Các cường quốc hạt nhân đã vắng mặt trong hội nghị lần này của Liên Hợp Quốc
Cụ thể, chỉ có hơn 120/193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc tham gia hội nghị. Đáng chú ý trong đó là sự vắng mặt của các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ… Lý do được các nước này giả thích cho sự vắng mặt trên là bởi đây không phải là thời điểm phù hợp để cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Theo số liệu của Hiệp hội kiểm soát vũ khí, trên thế giới hiện có tổng cộng 9 nước được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân. Ước tính nước sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất là Nga với 7.000 đầu đạn, đứng thứ 2 là Mỹ với 6.800 đầu đạn, Pháp 300, Trung Quốc 260, Anh 215, Ấn Độ 110, Pakistan 140. Isarel chưa từng công nhận mình sở hữu vũ khí hạt nhân song được cho là có 80 đầu đạn. Và cuối cùng Triều Tiên, được cho là có 10 đầu đạn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!