Thế hệ Z Trung Quốc lún sâu vào sự "giàu sang ảo" và những món nợ ngập đầu

Trang Phan (Bloomberg, CNBC, CNN, McKinsey.com)-Chủ nhật, ngày 11/04/2021 00:27 GMT+7

Thế hệ Gen Z - những người sinh năm từ 1997 đến 2010. (Ảnh: SCMP)

VTV.vn - Tại Trung Quốc, nhiều Gen Z có kỳ vọng cao về cuộc sống, cao đến mức nhiều trong số họ đang lún sâu trong sự giàu sang ảo, vốn chỉ đến từ những khoản vay tín dụng dễ dàng.


Thế hệ Z Trung Quốc và sự "giàu sang ảo" nhờ những khoản vay tín dụng

Tại Trung Quốc, Gen Y hay còn gọi là Thế hệ Y hoặc Thế hệ Millennials (những người sinh năm từ 1981 đến 1996) và Gen Z, hay còn gọi là Thế hệ Z (sinh năm từ 1997 đến 2010) rơi vào khoảng 560 triệu người (chiếm 40% dân số Trung Quốc). Trong đó, Gen Z là thế hệ lớn lên trong thời đại kinh tế phát triển nhanh chóng, với kỳ vọng cao về cuộc sống, cao đến mức nhiều trong số họ đang lún sâu trong sự giàu sang ảo, vốn chỉ đến từ những khoản vay tín dụng dễ dàng.

               Thế hệ  Z - một thế hệ bốc đồng chi tiêu

Thế hệ Z (Gen Z) của Trung Quốc lạc quan, bốc đồng và có xu hướng chi tiêu vượt quá ngân sách của họ nhất. Đây là nhận định của các chuyên gia đến từ Công ty tư vấn hàng đầu thế giới Mckinsey sau một khảo sát được tiến hành tại nhiều quốc gia, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,...

Theo khảo sát, ngay cả những người tiêu dùng thuộc Thế hệ X (sinh năm từ 1965 đến 1980) ở Trung Quốc còn bốc đồng hơn những người tiêu dùng Thế hệ Z ở các nước khác. Còn thế hệ Z của Trung Quốc lại bốc đồng hơn thế hệ X của nước này. Cho nên, Thế hệ Z chính là những người bốc đồng nhất trên thế giới khi họ mua sắm. 

47% Gen Z của Trung Quốc cho biết họ mua sắm mà không cần dừng lại để xem xét, chọn lựa kỹ càng. Hành vi này được thúc đẩy một phần bởi niềm tin mạnh mẽ vào thu nhập trong tương lai: 78% người Trung Quốc thuộc thế hệ Z cho biết họ tin rằng họ sẽ kiếm được "nhiều hơn, hoặc nhiều hơn nữa" trong tương lai. Sự kết hợp giữa bốc đồng và lạc quan này chính là lý do khiến 36% giới trẻ thuộc Thế hệ Z của Trung Quốc chi tiêu vượt ngân sách của họ.

Thế hệ Z Trung Quốc lún sâu vào sự giàu sang ảo và những  món nợ ngập đầu - Ảnh 1.

36% giới trẻ thuộc Gen Z của Trung Quốc chi tiêu vượt ngân sách của mình. (Ảnh: Bloomberg)

Thống kê của Bloomberg cho biết, trung bình một người thuộc thế hệ Z tại Trung Quốc chi hơn 7.000 USD (hơn 160 triệu VNĐ) mỗi năm cho những món hàng xa xỉ - ngay cả khi chưa tròn 21 tuổi.

                           Giàu sang chỉ nhờ những khoản nợ

Những tưởng Gen Z Trung Quốc là thế hệ biết kiếm ra tiền. Thế nhưng, đối với nhiều người trong số họ, đây chỉ là một cuộc sống giàu sang ảo tưởng. Tiền mà họ vung ra chi tiêu đến từ những khoản nợ tín dụng dễ dàng vốn rất phổ biến tại Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Mckinsey, Gen Z Trung Quốc tương đối thoải mái khi nợ tiền. Chỉ có 21% Gen Z cho biết họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi trả hết nợ. Ở Trung Quốc, ngay cả sinh viên đại học không có hồ sơ tín dụng cũng có quyền truy cập vào các ứng dụng tài chính cho phép họ mua hàng ngay cả khi họ không đủ khả năng chi trả. Phổ biến nhất là thẻ tín dụng ảo Huabei của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Ant Financial, với 1/4 số người dùng dưới 25 tuổi. Một ví dụ khác là thẻ tín dụng Baitiao của JD.com, cho phép khách hàng mua tại chỗ và thanh toán sau. Và còn vô vàn các loại kênh tín dụng dễ dàng khác, được các nhà tiếp thị nhắm đến như là một cách để tăng trưởng tiêu dùng nội địa.

Thế hệ Z Trung Quốc lún sâu vào sự giàu sang ảo và những  món nợ ngập đầu - Ảnh 2.

Thẻ tín dụng ảo Huabei của Tập đoàn Ant Financial có 1/4 số người dùng dưới 25 tuổi. (Ảnh: AP)

Tín dụng dễ dàng từng được quảng bá ở khắp mọi nơi từ các công cụ mạng xã hội đến các nền tảng thương mại điện tử, cho phép đăng ký dễ dàng chỉ sau vài phút, mà chẳng mất gì cả. Theo Bloomberg, ước tính có tới hơn 7.000 kênh cho vay tín dụng dễ dàng tại Trung Quốc, gần gấp đôi số lượng các ngân hàng truyền thống. Cuộc sống trong mơ nằm trong tầm tay của Gen Z. Chính vì sự giàu sang ảo, nhiều Gen Z không có ý thức tích góp cho cuộc sống của mình.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đã đến lúc Gen Z đối mặt với sự thật phũ phàng, khi giới chức Trung Quốc hồi tháng trước đã mạnh tay hơn đối với các nền tảng cho vay tín dụng dễ dàng.

                             Giới chức Trung Quốc đột ngột rút các kênh cho vay tín dụng 

Các nền tảng Internet ở Trung Quốc được yêu cầu ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên và rút bớt các khoản cho vay tín dụng hiện có. Các ngân hàng sẽ cần phải có sự chấp thuận của các nhà quản lý trước khi thúc đẩy các khoản vay như vậy trong khuôn viên trường đại học. Ngành công nghiệp cho vay trực tuyến phổ biến một thời đang nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Đây là một phần của nỗ lực pháp lý để hạn chế các hành vi lạm dụng của những tổ chức cho vay nhắm vào sinh viên đại học - một phần lớn trong Thế hệ Z của Trung Quốc.

Thế hệ Z Trung Quốc lún sâu vào sự giàu sang ảo và những  món nợ ngập đầu - Ảnh 3.

Nhiều Gen Z tại Trung Quốc khốn đốn khi không còn những kênh vay tín dụng dễ dàng. (Ảnh: Bloomberg)

Trước đây, các tổ chức cho vay tín dụng online không yêu cầu kiểm tra khả năng chi trả đối với các khoản vay ngắn hạn của người vay. Lãi suất hàng năm thường từ 15% đến 24%. Trong vài năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về hàng loạt vụ việc gây chấn động liên quan đến hoạt động cho vay này, từ việc đòi nợ bằng cách đe dọa, thậm chí đến việc nạn nhân bị ép bán dâm để trả nợ.

Tuy nhiên, việc giới chức Trung Quốc đột ngột ngăn chặn các hoạt động cho vay tín dụng dễ dàng đang khiến những người trẻ vốn đã mắc nợ không còn nhiều kênh để quay vòng nợ, cũng như không còn nhiều đường để quay đầu.

                                 Gen Z chật vật đối mặt với hiện thực phũ phàng

Mặc dù đã đảm nhận thêm hai công việc bán thời gian, Rachel Chen, một sinh viên 21 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vẫn không biết làm thế nào để trả hết khoản vay tín dụng trực tuyến 50.000 NDT (gần 176 triệu VNĐ).

Chen cho biết: "Tôi đã từng phải vay từ một nền tảng để đắp vào các khoản vay từ nền tảng khác, nhằm tránh vỡ nợ, nhưng giờ tôi không thể vay thêm nữa. Tôi đã phải nói với bố mẹ mình, nhưng họ sẽ chỉ giúp tôi trả được một nửa số nợ nên tôi phải tự tìm cách giải quyết số nợ còn lại." Chen hiện kiếm được 2.000 NDT (hơn 7 triệu VNĐ) mỗi tháng từ 3 công việc bán thời gian của mình, trong khi tiền nợ hàng tháng cô phải trả lên tới 5.000 NDT (17,5 triệu VNĐ).

Ngay cả đối với những người không còn đi học, động thái mới nhất của giới chức Trung Quốc, mà khả năng sẽ có thêm nhiều động thái mạnh mẽ khác đối với các khoản vay tín dụng dễ dàng qua Internet, đang khiến gánh nặng nợ của những thanh niên Trung Quốc càng thêm chồng chất.

Zhang Chunzi, 25 tuổi, làm việc tại một công ty thương mại nước ngoài ở Hàng Châu, Trung Quốc vẫn còn dư nợ 150.000 NDT (hơn 527 triệu đồng) từ hàng chục nền tảng cho vay, bao gồm cả dịch vụ Jiebei của tập đoàn Ant Financial.

Zhang, đã mất việc vào tháng 2 năm ngoái do dịch COVID-19 và vừa tìm được công việc mới vào tháng 6, kiếm được 6.000 NDT (hơn 21 triệu VNĐ) hàng tháng sau thuế.

Zhang cho biết: "Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi và tin nhắn từ chủ nợ". Gần như tất cả các nỗ lực của cô để thương lượng trả lãi suất thấp hơn đều bị từ chối. Chủ nợ thậm chí còn gọi điện cho sếp ở công ty mới của cô.

"Cộng đồng" những người mắc nợ tín dụng

Zhang không đơn độc trong cảm giác bế tắc. Trên mạng xã hội đã xuất hiện các nhóm hỗ trợ cho những thanh niên mắc nợ. Ví dụ, một nhóm có tên "Liên minh những người mắc nợ" có gần 41.000 thành viên trên nền tảng Douban của Trung Quốc, đã chứng kiến ​​số lượng thành viên của mình tăng hơn gấp đôi trong đại dịch COVID-19. Tại đây, các bạn trẻ chia sẻ nhiều mẹo khác nhau, từ cách đối phó với các cuộc gọi đe dọa của chủ nợ, đến cách xoa dịu sự lo lắng của họ.

Cũng có rất nhiều người hối hận và cảm thấy tội lỗi khi họ lún sâu vào các khoản nợ. Tuy vậy, việc tham gia những "cộng đồng" như thế này chẳng phải là điều gì đáng tự hào, nếu không muốn nói là đáng xấu hổ đối với nhiều Gen Z. Nhưng ở đó, họ có thể tìm được sự an ủi.  

Lối thoát nào cho Gen Z khi gánh trên vai những khoản nợ tín dụng

Đối với những người đã mắc nợ như Zhang và Chen, không có lối thoát rõ ràng. Lãi suất cao có nghĩa là dù họ có trả nợ thường xuyên thì cũng không làm những khoản nợ của họ ít đi là bao.

Tuyên bố phá sản chính thức cũng không thực sự là một lựa chọn. Bởi không có thủ tục toàn quốc để các cá nhân như Zhang hay Chen tuyên bố phá sản ở Trung Quốc, chỉ có tại các thành phố như Thâm Quyến và Ôn Châu, thì quy trình cũng không thực sự rõ ràng.

Do đó, những thanh niên mắc nợ phải tự giao dịch trên cơ sở cá nhân với các chủ nợ.

"Đây là một tình hình rất đáng lo ngại", theo ông Shen Meng, giám đốc tại Ngân hàng đầu tư cửa hàng có trụ sở tại Bắc Kinh Chanson & Co. Ông cho rằng: "Có nguy cơ cao là mọi người sẽ chuyển sang các kênh ngầm để vay bất hợp pháp và từ đó sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đi xuống."


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước