Thời tiết tại vùng bờ Đông của nước Mỹ đang được ví là "lạnh như sao Hỏa". Tại một số vùng, nhiệt độ thực tế đã giảm tới -50 độ C do tác động của những đợt gió lạnh và tuyết rơi dày. Hơn 100 triệu người dân đã bị ảnh hưởng bởi đợt lạnh tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua tại Bắc Mỹ.
Tuyết phủ trắng xóa đường phố tại Mỹ.
Thời tiết giá lạnh khiến thác nước Georgia gần như đóng băng hoàn toàn. Loài cá sấu cũng phải tìm cách tồn tại trong thời tiết cực đoan này tại Mỹ. Những con cá sấu trong công viên quốc gia ở bang North Carolina đã phải nhoi đầu qua lớp băng để thở. Đây là cách để chúng sống sót qua những đợt lạnh kỷ lục.
Thời tiết giá lạnh khiến thác nước đóng băng
Canada cũng đang hứng chịu đợt lạnh kỷ lục với nhiệt độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 57 năm.
Cá sấu phải nhoi đầu qua lớp băng để thở.
Còn tại phía Nam Bán cầu, nhiệt độ ở thành phố Sydney, Australia hôm 7/1 lên tới 47,3 độ C. Nhiệt độ cao đã khiến gần 10km đường cao tốc tại bang Victoria bị chảy. Cảnh sát địa phương đã ban bố cảnh báo cho các lái xe đi qua đây.
Hàng nghìn người dân Sydney đã đổ xô tới các bãi biển và hồ bơi để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nắng nóng kỷ lục cũng gây ra tình trạng cháy rừng nghiêm trọng ở khu vực phía Nam, buộc Australia phải ban bố cảnh báo khẩn cấp tại nhiều bang như Victoria và South Australia.
Hàng nghìn người dân Sydney đổ xô tới các bãi biển để chống chọi với nắng nóng.
Nhiều nước tại châu Âu cũng đang trải qua mùa Đông nóng hơn bình thường. "Tại Pháp, Nhiệt độ tháng 1 ở thành phố Cannes chạm mức cao kỷ lục 22,9 độ C. Nhiệt độ trung bình trên toàn nước pháp là 11,5 độ C, cao hơn 6 độ so với mức bình thường" - bà Clare Nullis - Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến những hình thái thời tiết ngày càng cực đoan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!