Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu thế giới về rủi ro môi trường

Quỳnh Chi (Theo The Jakarta Post)-Thứ hai, ngày 17/05/2021 12:04 GMT+7

Thủ đô Jakarta của Indonesia. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Thành phố Jakarta, thủ đô của Indonesia, đã bị xếp hạng là đô thị dễ bị tổn thương nhất về môi trường trên thế giới.

Đây là kết quả của một nghiên cứu đối với 576 thành phố lớn nhất thế giới do công ty tư vấn rủi ro kinh doanh Verisk Maplecroft có trụ sở tại Vương quốc Anh thực hiện. Theo đó, thành phố Jakarta đứng đầu thế giới về rủi ro môi trường với những mối đe dọa về biến đổi khí hậu, ô nhiễm, sóng nhiệt, động đất và lũ lụt. Đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng là thành phố New Delhi của Ấn Độ với hơn 10 triệu cư dân.

Jakarta, trung tâm tài chính và thành phố đông dân nhất của Indonesia, bị chấm điểm ở mức đặc biệt tồi tệ về ô nhiễm không khí, động đất và lũ lụt. Báo cáo lưu ý rằng, Bandung (thành phố lớn thứ 4 Indonesia) và Surabaya cũng nằm trong số 10 thành phố dễ bị tổn thương nhất về môi trường trên thế giới.

Thực trạng lượng khí thải gia tăng dẫn đến nhiều rủi ro liên quan đến thời tiết. Dân số tăng ở nhiều thành phố đang phát triển trên khắp thế giới khiến rủi ro đối với cư dân, tài sản và hoạt động thương mại sẽ ngày càng tăng lên. Điển hình là tình trạng lũ lụt ở Jakarta vào năm 2020 đã buộc hơn 34.000 cư dân phải rời bỏ nhà cửa. Theo ông theo Sarman Simanjorang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Indonesia, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1.000 tỷ Rupiah (tương đương 70,05 triệu USD) do các cửa hàng, doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu thế giới về rủi ro môi trường - Ảnh 1.

Thủ đô Jakarta ngập lụt sau cơn mưa lớn. (Ảnh: The Jakarta Post)

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và nguồn nước là tình trạng diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn trên toàn thế giới. Chính quyền Jakarta đã thực hiện các biện pháp để hạn chế thực trạng này, nhưng việc kết nối, hợp tác với các khu vực lân cận thủ đô Indonesia vẫn đóng vai trò quan trọng. Việc kiểm soát ô nhiễm nước ở các con sông đòi hỏi chính quyền Depok, Bekasi, Bogor (tỉnh Tây Java) và Tangerang (tỉnh Banten) phải hạn chế ô nhiễm nước ở các khu vực tương ứng vì các con sông được kết nối với nhau.

Rủi ro về môi trường của Jakarta nghiêm trọng đến mức Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thừa nhận vào năm 2019 rằng, đó là một trong những lý do chính khiến Chính phủ nước này muốn chuyển thủ đô đến Đông Kalimantan.

Ông Tata Mustasya, nhà vận động môi trường và khí hậu khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hòa bình Xanh, cho biết, cam kết của Chính phủ Indonesia về giảm phát thải khí nhà kính là chìa khóa để giảm rủi ro môi trường và khí hậu tại đây. Theo cam kết trong Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, Indonesia sẽ giảm ít nhất 29% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ liệu cam kết này có thể trở thành hiện thực và thành công hay không, nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng tại quốc gia này.

Người dân cam chịu chung sống với tắc đường hàng chục tiếng tại Jakarta Người dân cam chịu chung sống với tắc đường hàng chục tiếng tại Jakarta

VTV.vn - Với dân số khoảng 30 triệu người và hệ thống giao thông công cộng yếu kém, số phận của Jakarta luôn gắn chặt với tình trạng tắc đường nghiêm trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước