Theo thông báo ngày 27/9 của Thị trưởng London Sadiq Khan, đây là lần thứ 7 trong 13 tháng qua chính quyền thủ đô London kích hoạt hệ thống cảnh báo nói trên. Theo đó, lực lượng chức năng thành phố sẽ triển khai việc lắp đặt các biển cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại khu vực công cộng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ đe dọa sức khỏe do không khí ô nhiễm. Người già, trẻ nhỏ, những người có vấn đề về phổi và tim mạch được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Trước thực trạng chất lượng không khí không đạt chuẩn, chính quyền thủ đô London đã thực hiện một loạt các biện pháp để cải thiện tình hình, bao gồm hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng gấp đôi ngân sách cho quỹ cải thiện chất lượng không khí ở thủ đô và tổng vệ sinh các loại xe taxi, bus lưu thông trong khu vực thủ đô.
Thị trưởng Khan đã hối thúc Chính phủ Anh trao cho ông thêm một số quyền hạn cần thiết để xử lý các nguồn gây ô nhiễm không khí khác, không liên quan tới hoạt động giao thông vận tải. Ông khẳng định Anh cần hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit nhằm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng chất lượng không khí mà Anh đang phải đối mặt.
Báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Anh vẫn đang hết sức đáng quan ngại khi London dường như "bất lực" trong giải quyết vấn nạn này.
Theo báo cáo, thị trường Anh có thể trở thành "thiên đường" của các ngành "kinh doanh bẩn" và các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của EU, đặc biệt sau Brexit. Báo cáo chỉ ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ đã gây hậu quả nặng nề. Thực tế, hơn 40.000 ca chết yểu mỗi năm tại quốc gia này được cho là có liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!