Thủ tướng Abe Shinzo trong mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam

PV (Tổng hợp)-Thứ sáu, ngày 28/08/2020 16:01 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Chính sách Abenomics của Thủ tướng Abe Shinzo đã tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được Chính phủ hai nước vun đắp và phát triển trở thành đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước viện trợ vốn ODA lớn nhất vào Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2013, Nhật Bản dẫn đầu trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam.

Theo chiến lược tăng trưởng của Abenomics, Chính phủ Nhật Bản hướng tới tăng cường đầu tư cho hạ tầng ở nước ngoài. Phương châm mà Chính phủ nước này đề ra là dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 30.000 tỷ Yen cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, trong đó, Việt Nam là điểm đầu tư được Nhật Bản đặc biệt coi trọng.

Abenomics cũng đề cao vấn đề cải thiện thị trường lao động của Nhật Bản bằng cách nới lỏng luật tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt là những lao động có trình độ và tài năng. Nhật Bản có chủ trương tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc và nhiều doanh nghiệp đang tiếp nhận các thực tập sinh của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản đã mở rất nhiều đặc khu kinh tế, trao quyền cho doanh nghiệp tự do lựa chọn lao động, đây là những cơ hội cho thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Thủ tướng Abe Shinzo trong mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Thủ tướng Abe thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước, khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài. Ảnh: VOV

Ông Abe Shinzo là nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền liên tục lâu nhất

Ngày 23/8, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đánh dấu ngày cầm quyền thứ 2.799 liên tiếp, thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất trong lịch sử nước này.

Quãng thời gian này cũng tương đương với thời gian lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản của cựu Thủ tướng Eisaku Sato từ tháng 11/1964 đến tháng 7/1972.

Nếu tính cả khoảng thời gian lãnh đạo từ năm 2006-2007 thì tổng số ngày cầm quyền của Thủ tướng Abe là hơn 3.000 ngày, nhiều hơn con số 2.886 ngày mà cựu Thủ tướng Taro Katsura từng lãnh đạo đất nước này những năm 1900.

Ngoài Thủ tướng Abe thì chỉ có 10 người khác từng giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản trong hơn 1.000 ngày liên tiếp, trong đó có cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông của Thủ tướng Abe, cầm quyền trong 1.241 ngày.

Ông Abe Shinzo có thể sớm rời khỏi vị trí Thủ tướng, nhưng những di sản và ước vọng ông để lại cho người kế nhiệm sẽ còn đó

Ngày 28/8, đài truyền hình quốc gia Nhật Bản (NHK) tiết lộ Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ sớm tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Đáng chú ý, thông tin này được tiết lộ chỉ vài giờ trước khi ông Abe có cuộc họp báo chính thức nhằm trả lời những câu hỏi xung quanh đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông. Ngay sau đó, thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm 2% giá trị.

Trong những ngày vừa qua, truyền thông Nhật Bản cũng đã nhiều lần đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo này, khi ông tiến hành khám tại Bệnh viện Đại học Keio tới hai lần trong vòng một tuần. Điều này càng có cơ sở hơn khi ông Abe Shinzo từng tuyên bố từ chức Thủ tướng năm 2007 là vì lý do sức khỏe, cụ thể là bệnh viêm loét đại tràng.

Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này thành sự thực, ông Abe cũng hoàn toàn có thể rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản trong tư thế ngẩng cao đầu.

Di sản còn mãi

Bởi lẽ, ngày 24/8, ông Abe Shinzo đã xô đổ thêm một kỷ lục mới khi trở thành Thủ tướng tại vị liên tục dài nhất trong 50 năm qua (8 năm), vượt qua người chú là cố Thủ tướng Eisaku Sato. Trong chiến dịch tranh cử lần thứ hai năm 2012, ông từng cam kết sẽ mang lại sự thay đổi mang tầm quốc gia, nhằm vượt qua sự trì trệ của nền kinh tế và tăng cường tính cạnh tranh của nước Nhật trong "kỷ nguyên châu Á". Thú vị thay, di sản lớn nhất của ông lại là duy trì sự ổn định cho nước Nhật, thứ những người tiền nhiệm không thể mang lại trong 6 năm vắng ông (2006-2012).

Về mặt kinh tế, trong thời gian ông cầm quyền, nền kinh tế Nhật Bản có quãng thời gian tăng trưởng liên tục dài thứ hai sau năm 1945. Các doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục. Lượng du khách quốc tế tăng mạnh khi Tokyo trở thành nước chủ nhà đăng cai Olympic.

Về mặt chính trị, ông Abe liên tiếp chiến thắng trong các cuộc bầu cử, trong khi nhiều chính phủ các nước dân chủ phương Tây lao đao vì trào lưu dân túy mạnh.

Ổn định chính trị cho phép Thủ tướng Abe có điều chỉnh, xây dựng chính sách đối ngoại gắn kết, hiệu quả hơn. Trong thời gian cầm quyền, Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với Mỹ, hữu hảo hơn với Trung Quốc, xây dựng hình ảnh quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu khi "hồi sinh" Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới hình hài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do EU – Nhật Bản (JEFTA). Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với những cường quốc khu vực như Ấn Độ, Australia, qua đó chủ động hơn trong thúc đẩy hội nhập kinh tế thế giới.

Quan trọng hơn, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã củng cố nền an ninh quốc phòng, thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2013. Khí tài, năng lực tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã cải thiện rõ rệt. Từ năm 2014, SDF đã có thể triển khai lực lượng nhằm hỗ trợ Mỹ và các quốc gia bạn bè trong một số hoàn cảnh xác định cụ thể.

Có thể nói, Nhật Bản đã phần nào khỏa lấp "khoảng trống" mà nước Mỹ, với phương châm "Nước Mỹ trên hết", đã để lại tại châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí, không sai nếu nói rằng người kế nhiệm ông Abe Shinzo sẽ "thừa kế" một nước Nhật đoàn kết, mạnh mẽ nhất sau năm 1945.

Ước vọng chưa nguôi

Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Abe sẽ ít nhiều trọn vẹn hơn nếu ông có thêm thời gian và nguồn lực để thực hiện những ước vọng còn dang dở.

Đầu tiên, quãng thời gian tăng trưởng thần kỳ đã chấm dứt ngay trước thềm đại dịch COVID-19, trong khi nền kinh tế chịu cú sốc cung cầu lớn, với lượng khách du lịch quốc tế gần như biến mất hoàn toàn. Khoản nợ khổng lồ được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng sau các gói kích thích kinh tế. Các vấn đề về già hóa dân số, rủi ro đối với doanh nghiệp Nhật Bản và thách thức từ biến đổi khí hậu vẫn còn đó.

Thứ hai, nỗ lực của ông Abe nhằm xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc thông qua chuyến thăm Tokyo của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 đã ít nhiều bị gián đoạn khi Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề chủ quyền Hong Kong (Trung Quốc) hay tăng cường các hoạt động tuần tra quanh khu vực quần đảo Điếu Ngư và Biển Đông. Những tâm nguyện của cá nhân ông như thay đổi Hiến pháp Nhật Bản hậu Thế chiến II, hay giải quyết tranh chấp chủ quyền với Nga vẫn chưa thể thực hiện được, bất chấp ưu thế của đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Thứ ba, danh tính người sẽ tiếp quản Nhật Bản một khi ông Abe từ chức là chưa rõ ràng. Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo mới cần có đủ uy tín chính trị để hiệu triệu sự ủng hộ thống nhất của LDP, và bản lĩnh cần thiết để đưa đất nước Mặt trời mọc tiếp tục tiến về phía trước, thực hiện những giấc mơ còn dang dở của người tiền nhiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước