Đây là lần thứ 6 sự kiện lớn này được tổ chức, với sự tham dự của các đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia.
Cái khác của năm nay chính là một bối cảnh không giống mọi năm, khi mối bận tâm của các nước đổ dồn vào các vấn đề sát sườn trước, đó là giá cả lương thực, năng lượng tăng cao, căng thẳng địa chính trị nóng lên, còn triển vọng tăng trưởng thì ảm đạm tại nhiều nước trên thế giới. Trong một bối cảnh như thế thì việc dành tiền cho các mục tiêu khí hậu, vốn đã khó và gây nhiều tranh cãi giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, nay lại càng khó hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, các khoản hỗ trợ của tổ chức này cho các nước thông thường chỉ vào khoảng 42 tỷ USD/năm, trong thời gian đại dịch lên tới hơn 70 tỷ USD do nhu cầu tăng vọt. 60% trong số này là để chi trực tiếp cho các khoản chống dịch COVID-19.
Thế giới có phải chứng kiến bước lùi trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu và các tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới đều nhất trí cho rằng những thay đổi do đại dịch cũng mang lại cho các nước, trong đó có Việt Nam, cơ hội và quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chuyển đổi xanh và phục hồi xanh đang nổi lên là những khái niệm được nhắc đến nhiều trong năm nay.
Tại khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quá trình phục hồi Xanh có tiềm năng đem lại những khoản đầu tư lên tới 172 tỷ USD và tạo ra hơn 30 triệu việc làm từ nay đến năm 2030. 5 lĩnh vực đáng chú ý hỗ trợ phục hồi xanh là nông nghiệp xanh, đô thị xanh, giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!