Dữ liệu cho thấy, suy thoái kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Bắc Âu này có liên quan đến việc giảm xuất khẩu hàng hóa và giảm hàng tồn kho, góp phần tiêu cực vào số liệu GDP.
Theo Michael Grahn, nhà kinh tế trưởng tại Danske Bank, mặc dù mức giảm ít hơn con số 1,3% đã được dự đoán, nhưng "xuất khẩu của Thụy Điển đang gặp khó khăn".
Lạm phát cao diễn ra dai dẳng đã đè nặng lên nền kinh tế Thụy Điển kể từ năm 2022, dẫn đến việc Ngân hàng trung ương nước này phải tăng lãi suất. Thực trạng gia tăng chi phí hàng hóa và các khoản vay đã khiến nhiều hộ gia đình ở nước này phải cắt giảm chi tiêu.
Jessica Engdahl, người đứng đầu Bộ phận Tài khoản Quốc gia của Cơ quan Thống kê Thụy Điển, cho biết: "Quý II/2023 nhìn chung diễn biến yếu kém với sự sụt giảm ở một số thành phần chính của GDP".
Bà nói thêm: "Chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình ở mức âm trong quý thứ tư liên tiếp".
Theo ngân hàng lớn nhất Thụy Điển SEB, chi tiêu của các hộ gia đình sẽ là yếu tố quyết định mức độ suy thoái. Cho đến nay, tiêu dùng hộ gia đình đã giảm 0,2%, chủ yếu vì các khoản chi cho nhà ở, giải trí và văn hóa giảm do thu nhập khả dụng thực tế giảm 3% so với quý II/2022.
SEB cảnh báo: "Thụy Điển sẽ tiếp tục khó khăn hơn nhiều quốc gia khác".
Trong khi đó, các nhà kinh tế từ Handelsbanken tin rằng quốc gia Bắc Âu này đang "hướng tới một cuộc suy thoái nhẹ" vì họ dự đoán, GDP của Thụy Điển sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!