Tiền giấy trên bàn trong Bộ phận ngoại hối của ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. (Ảnh minh họa: AP)
Đây là kết quả của một nghiên cứu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ được công bố vào ngày 23/6.
Cuộc khảo sát cho biết, khoảng 43% các khoản thanh toán một lần tại siêu thị và nhà hàng ở Thụy Sĩ được thực hiện bằng tiền mặt, phương tiện thanh toán phổ biến nhất tại quốc gia này. Con số này đã giảm so với tỷ lệ 70% trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) vào năm 2017. Điều này cho thấy, hiện tiền mặt đã mất đi phần nào sức hấp dẫn của nó.
Phó Chủ tịch SNB Fritz Zurbruegg cho biết: "Liên quan đến số lượng thanh toán được thực hiện, tiền mặt tiếp tục là phương tiện thanh toán được người dân Thụy Sĩ sử dụng thường xuyên nhất. So với năm 2017, tỷ lệ sử dụng tiền mặt đã giảm đáng kể. Đại dịch COVID-19 đã tạo thêm động lực cho sự thay đổi từ sử dụng tiền mặt chuyển sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt".
Khoảng 43% các khoản thanh toán một lần tại siêu thị và nhà hàng ở Thụy Sĩ được thực hiện bằng tiền mặt. (Ảnh: Newly Swissed)
Hiện nay, trên 30% số lượng các khoản thanh toán được thực hiện qua thẻ ghi nợ, tăng so với mức 22% của 4 năm trước, trong khi thẻ tín dụng cũng ngày càng trở nên phổ biến. Cả hai đều đang được hưởng lợi từ việc áp dụng thanh toán không tiếp xúc ngày càng tăng trong thời kỳ dịch bệnh.
Các ứng dụng thanh toán di động như Twint và Paypal hiện chiếm 5% giao dịch ở Thụy Sĩ, tăng so với mức hầu như bằng 0 vào năm 2017.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11/2020 cho biết, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được coi là dễ dàng sử dụng hơn tiền mặt. Việc mua sắm trực tuyến gia tăng đã thúc đẩy sự phổ biến của các loại thẻ và ứng dụng trong thời kỳ đại dịch, cũng như xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn tại các siêu thị trong thời gian đóng cửa.
Trong khi người dân Thụy Sĩ có thể dần không còn yêu thích việc sử dụng tiền mặt, số lượng tiền giấy đang được lưu hành lại đang tăng lên. Điều này cho thấy, tiền mặt ngày càng được sử dụng như một phương tiện lưu trữ giá trị, SNB cho biết.
Báo cáo ước tính, các cá nhân đã cất giữ lượng tiền mặt dự trữ khoảng 10 tỷ Franc hoặc 12% số tiền đang lưu hành. Khoảng 70% dân số giữ tiền mặt ở nhà hoặc trong két an toàn, với hầu hết (77%) giữ tới 1.000 Franc để giải quyết các chi phí không dự tính trước được hoặc như một dạng lưu trữ có giá trị lâu dài.
SNB cho biết, lãi suất âm của Thụy Sĩ không phải là một nguyên nhân cho thực trạng trên vì hầu hết người dân ở quốc gia này không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lãi suất âm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!