TikTok - Từ “ứng dụng niềm vui” tới nỗi ngờ vực của giới chức toàn cầu

Việt Linh (Tổng hợp CNBC, Bloomberg, IndiaTimes, CNN Business, Reuters)-Thứ ba, ngày 14/07/2020 09:11 GMT+7

TikTok trước hàng loạt rắc rối từ động thái của chính phủ nhiều nước (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Đang là ứng dụng có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc nhưng TikTok có nguy cơ “sớm nở, tối tàn”, nếu không vượt qua được những nghi ngờ từ giới chức toàn cầu.

TikTok và sự phát triển bùng nổ

So với nhiều nền tảng ứng dụng di động hàng đầu khác, TikTok là cái tên thuộc loại "sinh sau đẻ muộn". ByteDance, công ty mẹ của TikTok chính thức công bố ứng dụng này như một phiên bản quốc tế của Douyin - ứng dụng video ngắn tương tự tại Trung Quốc vào năm 2017. Và phải một năm sau, TikTok mới bước chân vào thị trường Mỹ thông qua việc sáp nhập với Musical.ly.

Tuy nhiên chỉ mất một thời gian ngắn, cái tên này đã nhanh chóng thống trị thị trường. Chỉ mất hai tháng sau khi chính thức ra mắt tại Mỹ, TikTok đã đạt thành tích đứng đầu bảng các ứng dụng được tải về nhiều nhất và cũng là ứng dụng đầu tiên đến từ Trung Quốc làm được điều này. Ứng dụng này sau đó tiếp tục chinh phục thêm những cột mốc mới, và cùng với người anh em Douyin, hiện vượt qua cột mốc 1 tỷ người dùng.

Các thông số ấn tượng của TikTok

+ Số lượng tải về: 2 tỷ lượt

+ Lượng người dùng thường xuyên: 1 tỷ người

+ Các thị trường hàng đầu (ngoài Trung Quốc) tính đến tháng 3/2020:

1. Ấn Độ: 119,3 triệu người dùng

2. Mỹ: 39,6 triệu người dùng


Đáng chú ý hơn nữa là khả năng kiếm tiền của ứng dụng chuyên đăng tải video ngắn này. Hồi tháng 4, TikTok đã vượt qua ông lớn Youtube để dẫn đầu bảng xếp hạng những ứng dụng phi trò chơi có doanh thu cao nhất hiện nay, với con số lên đến 78 triệu USD.

Một nguyên nhân không nhỏ cho thành công này, đến từ bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn dịch COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đã góp phần lôi kéo người dùng đến với các ứng dụng mang tính giải trí, mà TikTok là một trong những cái tên đi đầu, với tổng lượt tải về trong quý I (tính cả của Douyin tại Trung Quốc) vượt mốc 300 triệu, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Những thành tựu đáng kể từ ứng dụng mới 3 năm tuổi này, đã giúp công ty mẹ ByteDance đạt mức định giá hơn 100 tỷ USD – một trong những start-up công nghệ giá trị nhất thế giới hiện nay.

Cú vấp từ lệnh cấm của Ấn Độ

Nhưng khi đang ở đỉnh cao cũng là lúc TikTok chứng kiến cú sốc chưa từng có. Ngày 29/6, ứng dụng này cùng với 59 cái tên khác của Trung Quốc bị rơi vào danh sách bị cấm lưu hành tại Ấn Độ, với lý do: những ứng dụng này gây quan ngại an ninh quốc gia.

Động thái này từ phía quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới được đánh giá là một đòn trả đũa rõ ràng nhằm vào nước láng giềng Trung Quốc, khi chỉ ít ngày trước đó đã xảy ra xung đột giữa binh sĩ 2 nước tại một khu vực tranh chấp biên giới, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

TikTok - Từ “ứng dụng niềm vui” tới nỗi ngờ vực của giới chức toàn cầu - Ảnh 1.

TikTok nằm trong danh sách 60 ứng dụng của Trung Quốc bị Ấn Độ cấm sử dụng (Nguồn: Reuter)

Theo ước tính của báo chí Ấn Độ, có khoảng hơn 300 triệu người dùng thường xuyên các ứng dụng Trung Quốc tại nước này. Và dù vẫn còn không ít cái tên đình đám khác trong danh sách, như WeChat, Weibo hay trình duyệt internet UCBrowser, thì TikTok vẫn bị nhắc đến nhiều nhất. Lý do là bởi Ấn Độ đang là thị trường lớn nhất với ứng dụng này (ngoài Trung Quốc) với gần 120 triệu người dùng. Hãng cũng đã tuyển 2000 nhân sự và đổ vào đây đến 1 tỷ USD. Con số thiệt hại dự báo có thể gấp 6 lần khi không còn lượng người dùng tại đây.

Quyết định của Ấn Độ có vẻ như đã kích thích một phản ứng dây chuyền. Một tuần sau đó, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng đàn trên kênh Fox News, nói tới khả năng Mỹ cũng "cấm cửa" ứng dụng này, và cho rằng: "Bạn chỉ nên tải ứng dụng này nếu muốn dữ liệu cá nhân của mình rơi vào tay Trung Quốc".

TikTok - Từ “ứng dụng niềm vui” tới nỗi ngờ vực của giới chức toàn cầu - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập khả năng Mỹ có thể cấm TikTok (Nguồn: CNBC)

Một nước đồng minh khác của Mỹ là Australia cũng đang bày tỏ những lo ngại tương tự. Cái tên mới nhất gia nhập danh sách này là Hàn Quốc, khi theo tờ Korea Times, giới chức nước này chuẩn bị có động thái trừng phạt TikTok với cáo buộc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.

So với lệnh cấm của Ấn Độ, các cáo buộc từ phía Mỹ được xem là thách thức lớn hơn nhiề, khi mà giới chức nước này đã đặt TikTok vào tầm ngắm từ lâu. Từ cuối năm ngoái, Ủy ban Giám sát đầu tư nước ngoài (CFIUS), đã bắt đầu xem xét nguy cơ của việc Tiktok sáp nhập Musical.ly tới an ninh quốc gia. Ngay sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng mở cuộc điều tra ứng dụng này về vấn đề quyền riêng tư của trẻ em.

Trong một phát ngôn mới nhất, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ đích danh TikTok cùng với WeChat là những cái tên "Tổng thống Trump có thể sẽ có hành động đầu tiên". Điều này củng cố thêm một số nhận định rằng, TikTok đơn giản là cái tên bị nhắm tới tiếp theo, trong cuộc chiến công nghệ và chiến lược ngày càng nóng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, sau những cái tên như ZTE hay Huawei.

TikTok đang "vật lộn" nhằm vượt qua các cáo buộc như thế nào?

Dường như công ty mẹ ByteDance cũng đã hiểu rõ thế khó với TikTok từ khá sớm. Ngay từ khi Mỹ mở các cuộc điều tra, công ty này đã đưa ra một loạt cải cách bộ máy sâu rộng, nhằm khẳng định tính độc lập của TikTok. Đáng kể nhất là việc mời tên tuổi kỳ cựu Kevin Mayer từ Disney làm CEO của TikTok, cùng với kế hoạch lập một trụ sở mới dành riêng cho thương hiệu này ở bên ngoài Trung Quốc.

TikTok - Từ “ứng dụng niềm vui” tới nỗi ngờ vực của giới chức toàn cầu - Ảnh 3.

Ông Kevin Mayer được TikTok lựa chọn vào ghế CEO nhằm tăng cường sự độc lập của ứng dụng này (Ảnh: NYT)

Phản ứng sau lệnh cấm từ Ấn Độ - một trong những thách thức đầu tiên của vị CEO TikTok sau khi lên nắm quyền, ông Mayer tuyên bố: "Tôi có thể khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi cung cấp dữ liệu của người dùng Ấn Độ, và chúng tôi cũng sẽ không bao giờ tuân theo những yêu cầu như vậy".

Vị CEO từng phụ trách mảng streaming đang lên của Disney, cũng liên tục trấn an các lo ngại bằng việc xác nhận dữ liệu người dùng Mỹ sẽ chỉ đặt trên máy chủ nước này, cùng bản sao lưu tại Singapore. Một bước đi chiến lược khác của hãng, đó là việc lập tức tuyên bố rút khỏi đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) sau khi Luật an ninh quốc gia mới tại đây có hiệu lực.

TikTok - Từ “ứng dụng niềm vui” tới nỗi ngờ vực của giới chức toàn cầu - Ảnh 4.

Các ứng dụng nội địa Ấn Độ như Chingari đang nổi lên nhằm chiếm lĩnh thị phần mà TikTok bỏ lại (Nguồn: IndiaTimes)

Loay hoay khôi phục lòng tin chưa đủ, vấn đề lớn khác với TikTok còn là sự nổi lên của các đối thủ cả cũ lẫn mới. Một ví dụ đến ngay từ Ấn Độ: tận dụng "miếng bánh lớn" mà TikTok để lại, hàng chục ứng dụng nội địa có tính năng tương tự như Tik-Tik hay Chingari đã được tung ra, và thu hút hàng triệu lượt tải. Các ông lớn như Youtube và Instagram cũng không bỏ qua cơ hội này và đang gấp rút thử nghiệm những ứng dụng của riêng mình tại thị trường 1,3 tỷ dân này.

Theo một số chuyên gia, thì "tuần trăng mật" của TikTok suốt 3 năm qua giờ đã đến hồi kết. Trong một thời kỳ cạnh tranh công nghệ khốc liệt giữa các nước, thì việc tạo dựng hình ảnh minh bạch, tránh đi vào "vết xe đổ" của Huawei, sẽ là một bài toán mang tính sống còn với ứng dụng này trong tương lai./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước